DẠY CON LÀ MỘT HÀNH TRÌNH DÀI.

Hỗ trợ trực tuyến
DẠY CON LÀ MỘT HÀNH TRÌNH DÀI.

    Can thiệp toàn diện là điều cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ có nhu cầu đặc biệt. Trẻ không chỉ có khó khăn trong vấn đề về ngôn ngữ, nhận thức, vận động, tương tác, chơi, mà còn rất nhều vấn đề trong việc ăn uống để đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình phát triển của trẻ.

    Hành vi rập khuôn của trẻ tự kỷ dẫn đến việc ăn của trẻ trở nên khác biệt so với những trẻ khác. Trẻ chỉ thích ăn một đến hai món nào đó, khó khăn trong việc tiếp cận thức ăn mới. Buổi sáng chỉ ăn xôi mới chịu đi học, không ăn thịt, chỉ thích ăn cơm với nước tương, chỉ ăn bánh không ăn cơm, không ăn rau hoặc canh...Chỉ có cái chén đó, cái muỗng đó thì mới chịu ăn. Vừa rập khuôn vừa có các vấn đề về cảm giác đi kèm, trẻ có thể quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm dẫn đến việc chỉ thích ăn bánh là vì khi nhai sẽ có tiếng sột soạt làm trẻ thích, không thích cơm vì ghét có cảm giác hạt hạt nhỏ ở trong miệng ...

    Suy kém về giao tiếp khiến trẻ không biết cách từ chối khi không muốn ăn, thể hiện hành vi không phù hợp để từ chối bằng cách bịt miệng, ném tô, la hét, cắn... Kể cả khi trẻ muốn ăn trẻ cũng không biết cách yêu cầu đồ ăn.

    Cách cha mẹ đã và đang làm sai trong  việc cho con ăn:

    • Không để con có cơ hội thể hiện nhu cầu ăn uống. Thức ăn cần trung bình từ 2-8 tiếng để tiêu hóa hết nhưng cha mẹ cho con ăn liên tục 3-5 cữ/ buổi. Cách con học được là không cần chỉ trỏ, kéo tay hay dùng lời nói để yêu cầu thức ăn thì đã có thức ăn rồi. Còn thức ăn thì không có đủ thời gian để tiêu hóa và hấp thu.
    • Thay đổi loại thức ăn đột ngột: Từ 6 tháng  đến lúc con 3 tuổi, thức ăn của con vẫn luôn là cháo, vì mẹ bảo “Con chỉ thích ăn cháo không thích ăn gì khác, bây giờ lớn rồi phải ăn cơm” thế là mẹ bắt đầu ép con ăn cơm nhưng con thì không thể.
    • Sợ con dơ bẩn khi ăn: Điều con cảm thấy thoải mái là con được khám phá thức ăn bằng cách bốc hay ngửi thức ăn. Khi thấy trong giờ ăn của con, con toàn cầm thức ăn bằng tay ba mẹ cấm con cầm, vì sợ ảnh hưởng đến việc ăn của các thành viên trong gia đình nên không cho con ăn chung với gia đình. Vậy làm sao con cảm thấy vui vẻ, thoải mái, làm sao con có cơ hội bắt chước những người khác cách ăn phù hợp và con không biết được thì ra thức ăn đó an toàn, mọi người ăn được thì mình cũng có thể ăn được.
    • Con không làm được đâu cha mẹ luôn xúc cho con ăn, vì nghĩ rằng con sẽ làm đổ hết thức ăn, con tự ăn quá lâu, mất công dọn dẹp quá. Nhưng, cha mẹ có đi theo con, xúc cho con ăn suốt đời được không ?
    • Không giao tiếp với con trong giờ ăn, cha mẹ nghĩ rằng có nói thì con cũng không hiểu đâu, việc nói chuyện với con là không cần thiết.

    Tìm hiểu các vấn đề về hành vi trong ăn uống.

    Cha mẹ cần tìm hiểu cấu trúc thức ăn hiện tại của con, con thích ăn gì, không thích ăn gì, vấn đề hiện tại của con, cha mẹ muốn thay đổi điều gì, chiến lược nào phù hợp với con. Tùy theo tình trạng hiện tại và khả năng của con mà lựa chọn mục tiêu phù hợp. Bắt đầu lập kế hoạch về hành vi ăn uống :

    • Đặt mục tiêu (Tự xúc ăn bằng muỗng, nhai khi ăn, ăn một loại thức ăn mới...)
    • Làm theo quy trình (Làm quen với muỗng, cầm muỗng đúng cách, xúc từ chén này qua chén khác, xúc đưa lên miệng.....)
    • Khen thưởng hành vi ăn uống mong muốn (Nhai giỏi, cầm muỗng tốt...)
    • Không khen thưởng những hành vi không mong muốn (ném muỗng, nhè thức ăn ra bàn...)
    • Lựa chọn giờ ăn cố định.

    NGUYỄN THỊ YẾN - CHUYÊN VIÊN CAN THIỆP 

    Đối tác của SPAP
    Đang online: 4 | Tổng truy cập: 35386