Mẹ và cô !
Câu chuyện giữa một giáo viên chuyên biệt với phụ huynh có con đặc biệt diễn ra hàng ngày tại ngôi trường nơi có sự kết nối những câu chuyện đó.
Một người mẹ có con đặc biệt tìm đến trường và gặp cô với hàng vạn câu hỏi mẹ hỏi cô. Cô ơi bao giờ con tôi biết nói? Cô ơi, khi nào con tôi được ra trường ? Cô ơi, nếu mai này tôi chết đi không biết nó sẽ thế nào … ? Còn cô, với những câu hỏi đó cô bắt đầu quan sát, đánh giá mức độ của con. Sau khi tìm hiểu được con có những gì, con còn yếu những gì. Cô biết được tuổi phát triển của con so với tuổi thực như thế nào.
Mẹ à, bao giờ con nói được....Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, hơn 50% trẻ tự kỷ bị hạn chế ngôn ngữ, lặp lại câu hỏi hoặc phát âm thành tràng. Cô không thể trả lời được con có nói được hay không, cô cũng chẳng trả lời được ba tháng hay năm tháng con có thể nói. Nhưng cô biết được khả năng chú ý của con, khả năng hợp tác của con với người lớn trong 1 khoảng thời gian đó như thế nào, có hợp tác tốt mà không có hành vi nào hay không. Khi con muốn một điều gì đó, con thể hiện bằng cách nào. Ngoài ra, cô biết được ở các lĩnh vực khác nhau như bắt chước, nghe hiểu, vận động, nhận thức, liên kết mắt tay, tương tác...con đã làm được những gì.
Không phải cứ là ngôn ngữ nói thì con mới học được những thứ khác. Lời nói chỉ chiếm 8% trong việc giao tiếp. Để giao tiếp được con có thể thể hiện bằng các cử chỉ phi ngôn ngữ, như đơn giản nhất là khi hỏi con muốn bánh không ? Nếu con muốn thì con gật đầu, nếu không thì con lắc đầu. Thay vì không nói được với mẹ là con muốn uống sữa, thì con có thể kéo tay mẹ lại chỗ có sữa và chỉ vào hộp sữa. Như vậy, con đã thể hiện được phần nào nhu cầu của mình, khi muốn điều gì đó để được đáp ứng đúng cách chứ không phải là khóc, la hét, đập đầu….Bằng cách khác, cô dạy con giao tiếp thông qua hệ thống tranh ảnh. Khi con có nhu cầu con có thể sử dụng tranh để nói lên mong muốn của mình.
Mẹ nói, ở nhà cái gì con cũng biết chỉ có con không nói được thôi. Theo mẹ thì con biết lấy dép trước khi đi học hay đi chơi, lấy được nón bảo hiển khi đi ra ngoài, biết đóng cửa sau khi đi vào phòng....Đó không phải là con nhận thức được những điều đó mà là con làm theo thói quen, lặp đi lặp lại nhiều lần thì con sẽ biết. Nhưng khi bất chợt yêu cầu con chỉ hoặc lấy dép hay nón thì con lại không làm được. Khi con hiểu “Con đi lấy cái ly”, hoặc “Con chỉ đôi dép” là con biết được hành động đi lấy, chỉ là phải làm thế nào và cái nào được gọi là “dép”, cái nào được gọi là “ly”.
Cô ơi, sao dạy nó gấp cái khăn thôi mãi nó cũng chẳng làm được. Bởi vì mẹ nghĩ gấp khăn là một việc rất đơn giản, mẹ làm mẫu cho con vài lần không hướng dẫn con từng bước nhỏ, không trợ giúp con ở ngay bước con chưa làm được. Mỗi ngày mẹ lại hướng dẫn con gấp khăn bằng một cách khác nhau, ba lại dạy gấp bằng cách của ba. Như vậy biết bao giờ con mới gấp được cái khăn. Mẹ hãy cùng cô dạy con theo các bước mà cô đã hướng dẫn khi gửi chương trình học về nhà. Khi con không làm được, mẹ hãy từ từ trợ giúp con ở bước con làm chưa được bằng cách nhắc thể chất, thể chất một phần, làm mẫu, gợi ý bằng từ ngữ hoặc cử chỉ. Có lẽ mẹ cũng biết mỗi hoạt động chúng ta làm hàng ngày đều được duy trì bởi một phần thưởng thế nên hãy luôn có phần thưởng để khuyến khích và động viên con mẹ nhé.
Mẹ thấy con không nói được, vội vàng bắt con học chữ, viết chữ. Tiết học của hai mẹ con kết thúc bằng sự giận dữ của mẹ và buồn bực của con. Mẹ có biết, vận động tinh của con rất yếu, con sử dụng các ngón tay chưa linh hoạt, cầm bút chưa đúng cách làm sao con viết được chữ. Điều quan trọng hơn nữa là việc dạy số và chữ cho con khi khả năng gọi tên và tiếp thu kém thì sẽ không hiệu quả. Dạy con không phải là dạy theo những điều mẹ muốn, ba muốn hay ông bà muốn, mà dạy từ khả năng của con. Nhìn nhận con từ những lĩnh vực tổng quát và từ những kỹ năng nhỏ cần phải làm những gì thì mới đạt được. Mẹ muốn con cắt được một hình ngôi sao, mẹ hãy chỉ cho con từ bước cầm kéo đúng, cách cắt rời được mảnh giấy, cắt theo đường thẳng, zích zắc, theo hình đơn giản hơn ngôi sao..cuối cùng mới dạy con làm sao để cắt được ngôi sao.
Những kỹ năng rất đơn giản như khoanh tay, vẫy tay tạm biệt, xòe tay xin…hay kỹ năng nhận thức những vật dụng cá nhân con sử dụng hàng ngày như cái áo, cái quần, khẩu trang, cái nón..sau khi học xong con lại quên hết. Những bạn học nhanh có thể trong một ngày, hai ngày hay hai tuần là có thể học được nhưng con một tháng, hai tháng, ba tháng hoặc lâu hơn thế nhiều nữa con mới học được. Nhưng học được rồi con lại quên mất trong một khoảng thời gian rất ngắn hoặc ngay sau khi chuyển qua học nội dung mới. Mẹ cảm thấy thất vọng rất nhiều. Bởi con mới chỉ tiếp nhận được kiến thức và để con ghi nhớ lâu thì cần duy trì và khái quát hóa nội dung con đã được học. Vậy làm sao để con duy trì được kỹ năng mà con đã học, mẹ hãy tạo cho con cơ hội được làm, được thực hành để con biết mình có thể làm được. Rất nhiều kỹ năng con được học cùng cô ở trường như mang dép có quai, mặc áo khoác, tắm..nhưng về nhà mẹ luôn làm cho con vì mẹ thấy con làm quá lâu trong khi mẹ còn rất nhiều việc không thể chờ con hoàn thành, đôi khi mẹ nghĩ con chẳng làm được. Mẹ ơi, con rồi cũng sẽ lớn mẹ không thể cứ hàng ngày hàng ngày làm hết cho con tất cả được mọi việc. Hãy để con thực hành những điều con được học ở tất cả các môi trường, các dụng cụ học khác nhau và học với nhiều người khác nhau. Như vậy con mới có thể khái quát được nội dung học và ghi nhớ được lâu hơn. Tất nhiên cũng sẽ có lúc con quên vì con cũng như người lớn thôi, khi mà một kiến thức được học mà không luyện tập, không sử dụng thì cũng sẽ quên. Nghĩ như thế để mẹ cảm nhận được con cũng đã cố gắng và mẹ không quá căng thẳng với con hàng ngày.
Những câu chuyện đó vẫn luôn diễn ra hàng ngày giữa cô và mẹ. Khi mẹ chia sẻ cùng cô, là lúc lòng mẹ được cảm thấy yên tâm hơn khi con đang được cô rèn luyện hàng ngày, và chính những điều đó giúp cô hiểu về con khi con ở nhà. Không chỉ mẹ vui khi con tiến bộ mà cô cũng vậy, niềm vui xen lẫn những giọt nước mắt, dù chỉ là một điều nhỏ mà con làm được. Vì bao nhiêu yêu thương, tâm huyết và cả sự cố gắng nữa để giúp con. Mong rằng, những câu chuyện đó nhiều hơn, để làm hành trang của “Mẹ và Cô” cùng con cùng bước trên con đường tìm nguồn sáng tương lai.
NGUYỄN THỊ YẾN - CHUYÊN VIÊN CAN THIỆP