Cùng nhau giúp trẻ phát triển
Sự nghiệp “trồng người” cần là một hệ thống giáo dục, giáo dục trẻ em càng không dễ nếu chỉ có một mình, không ai là tất cả, mà cũng đừng giao tất cả cho một ai nếu cha mẹ muốn con mình phát triển toàn diện và nếu con là một đứa trẻ đặc biệt cha mẹ cần phải tôn trọng nguyên tắc này.
Đúng như tên tác phẩm nổi tiếng của tác giả Donna M.Genett, Ph.D “Người giỏi không phải là người làm tất cả” để nhận định rằng mỗi một người trong chúng ta đóng rất nhiều vai trò khác nhau trong xã hội có thể là giáo viên của hàng trăm học sinh khi ở trường, là mẹ của những đứa con thơ khi ở nhà, cũng có thể là nhân viên trong trường học, nhưng cũng có thể là sếp ở một nơi nào khác… Ở một thời điểm nhất định, chúng ta cũng chỉ làm tròn được một vai trò nhất định và cho dù có tài giỏi đến cỡ nào chăng nữa, chúng ta cũng không thể hoàn thành tốt tất cả các vai trò cùng một thời điểm. Vì vậy hãy nắm bắt vai trò của mình ở từng không gian và thời gian khác nhau, đóng vai nào phải “diễn” cho tròn vai đó.
Đừng “trăm sự nhờ” thầy, cô
Câu nói cửa miệng “trăm sự nhờ thầy, cô” khi phụ huynh nói chuyện với giáo viên của con mình, thoạt đầu nghe có vẻ rất tôn trọng thầy cô, vai trò của thầy cô thật lớn lao trong việc giáo dục con trẻ. Đặc biệt khi cha mẹ có đứa con phát triển không bình thường, phụ huynh đang còn mới mẻ, lạ lẫm với các khái niệm rối loạn phổ tự kỷ, cũng chưa nghe nói đến chậm phát triển ngôn ngữ, can thiệp bằng các phương pháp tâm lý, can thiệp với môi trường chuyên biệt... Với cách suy nghĩ này, cộng thêm lý do bận rộn công việc, chưa có những kiến thức chuyên môn, phụ huynh mặc nhiên đặt lên vai thầy cô tất cả trách nhiệm để đào tạo một đứa trẻ, từ truyền đạt kiến thức văn hóa, kỹ năng đến giáo dục nhân cách, hướng dẫn phát triển tâm sinh lý.
Trong khi đó, một sự thật khách quan không thể chối bỏ: công tác giáo dục trẻ muốn có được kết quả toàn diện cao nhất phải là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa của ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt trong những năm đầu đời của trẻ, giáo dục từ gia đình, cha mẹ là cái nôi cho sự phát triển mạnh mẽ nhất.
Hình ảnh minh họa.
Cho dù thầy cô có nỗ lực dạy dỗ, chăm sóc bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng nếu không có sự đồng hành, sự chung tay của gia đình thì đó chính là sự thiệt thòi của trẻ trong quá trình trưởng thành.
Hãy “là thầy cô của con mình”
Thời gian con trẻ đến trường là bao lâu? Nếu cha mẹ có con là đứa trẻ đặc biệt, việc dạy con sẽ khó khăn hơn những cha mẹ bình thường gấp rất nhiều lần, bởi vì những đứa trẻ đặc biệt có lối suy nghĩ rất cụ thể, chúng rất khó khăn để hiểu và diễn đạt điều chúng muốn và những đứa trẻ đặc biệt chỉ hiểu ngôn ngữ theo nghĩa đen, vốn từ của chúng thật ít ỏi, các cảm nhận về giác quan của trẻ bị rối loạn, não bộ của chúng không thể lọc được tất cả các thông tin ghi nhận được nên lúc nào cũng trong tình trạng quá tải...
Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể giúp con của mình trong thời gian trẻ ở nhà? Hãy củng cố những gì trẻ học được ở lớp bằng những hình ảnh thực trong cuộc sống hằng ngày. Thầy cô không thể mang cả con voi, con chó, chiếc xe máy, nồi cơm điện... vào lớp để dạy con được, nhưng cha mẹ có thể cho con tận mắt nhìn thấy con voi ở sở thú, con chó chạy ngoài đường, ngồi trên chiếc xe máy, sờ vào nồi cơm điện... Rất nhiều thứ mà cha mẹ cần làm để con được trải nghiệm.
Hình ảnh minh họa.
Đâu phải chỉ có ở lớp, ngồi trên bàn thì mới được gọi là hoạt động dạy học, rõ ràng khi đi đường, đi chơi, khi ăn cơm, khi tắm... vẫn dạy con trẻ được và chỉ những lúc như thế trẻ mới nhận thức rõ ràng về đồ vật, hiện tượng cách chân thực nhất, không mơ hồ không nhẫm lẫn với một thứ gần giống mà hình ảnh không thể làm được điều này.
Hình ảnh minh họa.
Giáo dục là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Các bậc cha mẹ, các cô giáo cần luôn hiểu rõ vấn đề này, để cùng nhau thảo luận, cùng nhau chia sẻ. cùng nhau giúp trẻ rèn luyện, phát triển.
NGUYỄN MINH TRÂM - TRƯỞNG PHÒNG ĐÁNH GIÁ GIÁO VỤ TT SÔNG PHỐ.