(CAO) Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về trẻ tự kỷ, nhưng theo ước tính, Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người tự kỷ. Riêng tại TP.HCM, số lượng người tự kỷ tăng rất nhanh, chưa đầy 10 năm, trẻ mắc tự kỷ tăng gấp 160 lần.
Đó là con số được Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đưa ra tại Hội thảo chính sách ASEAN: Tự kỷ - vấn đề - nhu cầu và giải pháp diễn ra tại TP.HCM.
Số trẻ tự kỷ tăng nhanh chóng mặt
Theo Cục Bảo trợ xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 7,3 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số; trong đó 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 2,7 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Hai dạng khuyết tật chiếm tỷ trọng cao nhất là khuyết tật vận động và thần kinh, trí tuệ; tiếp đến là khuyết tật về thị giác; còn lại là các dạng khuyết tật khác đều ở mức dưới 10% so với tổng số người khuyết tật.
Đa số người khuyết tật có trình độ học vấn thấp, nhiều người không biết chữ, hầu hết hộ gia đình có người khuyết tật thuộc diện nghèo, cận nghèo, sống ở nông thôn, miền núi.
Đáng lưu ý là những năn gần đây, tình trạng trẻ mắc bệnh tự kỷ tăng nhanh một cách chóng mặt. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo Cục bảo trợ xã hội, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào năm 2009 đã có 1.752 bệnh nhi mắc bệnh tự kỷ điều trị tại đây.
Những năn gần đây, tình trạng trẻ mắc bệnh tự kỷ tăng nhanh một cách chóng mặt. Ảnh minh họa
Nghiên cứu mô hình bệnh tật ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2.000 đến năm 2007 cho thấy, số trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ tăng chóng mặt. Theo đó, số trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần, còn trẻ đến điều trị tăng gấp 33 lần so với năm 2.000.
Riêng tại TP.HCM trong năm 2.000 chỉ có 2 trẻ mắc tự kỷ điều trị thì đến năm 2008 đã có đến 324 trẻ tự kỷ, tăng gấp 160 lần.
Theo Cục Bảo trợ xã hội, các con số trên chưa bao gồm số trẻ tự kỷ tại các bệnh viện khác trên cả nước; còn rất nhiều trẻ tự kỷ chưa được khám bệnh và điều trị kịp thời.
Theo Ths BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, hàng năm tại Khoa Tâm lý của BV Nhi Đồng 1 khám cho khoảng 9.300 trẻ, trong đó tổng số lượt đánh giá trẻ tự kỷ khoảng 2.500. Khoảng 60% số bệnh nhân đến khám tại khoa đến từ các tỉnh khác, vị trí địa lý kéo dài từ Bình Định đến Cà Mau. Dù tiếp nhận hết khả năng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cảu phụ huynh.
Giải mã để thấu hiểu trẻ tự kỷ
Theo Ths BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, tự kỷ là một rối loạn thần kinh phức tạp. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa lành hoàn toàn rối loạn tự kỷ. Nền tảng cơ bản, quan trọng nhất và có chứng cớ khoa học trong điều trị tự kỷ là can thiệp hành vi và giáo dục.
"Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc can thiệp sớm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi có thể cải thiện khả năng phát triển của trẻ tự kỷ", BS Triết chia sẻ.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là thiếu các dịch vụ y tế cho bệnh nhân tự kỷ tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại các tỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở những cơ sở có khả năng, từ đó dẫn đến việc bệnh nhân được đánh giá và can thiệp trễ.
Mặc khác, nhận thức về tự kỷ của cộng đồng chưa đồng đều. Phần lớn phụ huynh đều có nghe nói đến tự kỷ nhưng thường không có kiến thức đầy đủ. Thậm chí, có những phụ huynh dù sống ngay tại TP.HCM nhưng hoàn toàn không biết gì về tự kỷ.
BS Lâm Hiếu Minh, Khoa Sức khỏe Tâm trí BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM cũng chia sẻ: "Qua nhiều năm quan sát, khám, tiếp xúc, chơi với trẻ tự kỷ cũng như phỏng vấn và học hỏi từ chính cha mẹ cá cháu, tôi nhận thấy rằng không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu và giải mã được hành vi của con để có ứng xử phù hợp hay đề ra chiến lược giáo dục hiệu quả".
Không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu và giải mã được hành vi của trẻ tự kỷ để có ứng xử phù hợp hay đề ra chiến lược giáo dục hiệu quả. Ảnh: CTV
BS Minh khuyến cáo, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, riêng biệt, với nhiều tính cách và hanh vi đa dạng, trẻ tự kỷ cũng thế. Do đó, việc quan sát kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của nhà chuyên môn là cần thiết để có thể hiểu và giải mã được những biểu hiện bất thường của trẻ.
Về các giác quan, theo BS Minh, đa số trẻ tự kỷ không tương tác bằng mắt. Trẻ tự kỷ cũng thường không cảm thấy khó chịu khi được vuốt ve, tuy nhiên các em lại khó phản hồi với những thông điệp này. Do đó, cần phải có thời gian và sự luyện tập để các cháu hiểu và đáp ứng lại những lúc được vỗ về, ôm ấp, vuốt ve. Những dụng cụ chơi vô định như cát, nước, chất dẻo,... rất hữu ích để các cháu phát triển xúc giác.
Về hành vi, các cháu tự kỷ thường có hành vi lặp đi lặp (hành vi định hình) lại như xoay tròn, xoắn vặn bàn tay, vẫy tay, nhón nhón gót chân, nhảy xoay tròn,... đi kèm với những âm thanh như tiếng thở rít, ậm ừ, rên,... Hành vi lặp đi lặp lại nàu có thể được các cháu sử dụng để trấn an mình, còn là lớp vỏ "tâm lý" giúp các cháu tự bảo vệ trước những phiền nhiễu. Nhiều cháu khi cảm thấy không an toàn, căng thẳng hay tức giận có thể tăng cường độ và tần số những hành vi định hình này.
Cha mẹ cần tôn trọng, nhẹ nhàng, mềm dẻo kết hợp với biện pháp tâm vận động và những biện pháp giúp các cháu nhận biết tốt hơn lớp vỏ "sinh học" của mình có thể làm giảm hành vi định hình này.
Năm nay, “Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ” năm 2017 diễn ra trong hai ngày 1 và 2/4.
Vào ngày 2-4, tại trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM cũng diễn ra hội thao thân thiện với sự tham gia của 300 trẻ và 300 cha mẹ, giáo viên, tình nguyện viên đến từ các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và 8 trung tâm, trường chuyên biệt tại TP.HCM.
Hội thao cho trẻ tự kỷ diễn ra tại trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM vào ngày 2-4. Ảnh: CTV
Tại hội thao, các trẻ tham gia thi đấu các môn thể thao như bơi lội, các môn chạy, nhảy bao bố, bật xa tại chỗ, kéo co…
Từ năm 2012, nhận thức những khó khăn, hạn chế của người tự kỷ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 28/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật và sau đó là Nghị định 136/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, người tự kỷ cũng là một đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Đến nay đã có nhiều mô hình chăm sóc trẻ tự kỷ như: mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An; Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật TP.HCM… Đây là những nơi tư vấn, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; can thiệp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ; cung cấp hoạt động dịch vụ phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ…
Tuy nhiên, trước tình hình trẻ tự kỷ tăng nhanh, để đáp ứng được yêu cầu chăm sóc trẻ tự kỷ được tốt hơn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng trong việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ.
Sự tham gia của cộng đồng giúp mọi người có cái nhìn chính xác và khách quan hơn về tự kỷ, từ đó giảm thiểu những vấn đề về kỳ thị, can thiệp không phù hợp.
Nguồn: Báo công an