Tại Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố [ SPAP] , Sự “Thay đổi” không ngừng là điều mà trung tâm luôn quan tâm và chú trọng. Sự thay đổi ở đây không chỉ là hình thức bên ngoài, mà còn là sự thay đổi cả về chất lượng, giáo dục mà SPAP đang hướng tới. Để đáp ứng cho nhu cầu và sự thay đổi đó, SPAP đã mở rộng và áp dụng mô hình lớp học “Kỹ năng sống” – lớp học đặc biệt dành cho những đứa trẻ “Đặc biệt” vào chương trình giảng dạy của trung tâm.
Lớp KNS hiện có 8 học sinh với 3 chuyên viên can thiệp tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, Công tác xã hội và Giáo dục đặc biệt. Các em lớp “ Kỹ năng sống” nằm trong độ tuổi từ 7 đến 15 tuổi, hầu hết các em đều hạn chế về nhận thức xã hội, độ tuổi nhận thức phát triển thấp hơn so với độ tuổi thực sự của mình, điều đặc biệt là các bé thường hay có những hành vi chống đối, hủy hoại bản thân, thậm chí tấn công người khác….
Các cô đang dạy cho các em cách rửa chén và tưới rau.
Để giúp các em hạn chế và thay đổi các hành vi tiêu cực trên, cũng như giúp các em có khả năng tự phục vụ, đáp ứng các nhu cầu của chính mình, lớp Kỹ năng sống được mở với mục đích giúp các em biết được những hình ảnh, hoạt động quen thuộc, gần gũi trong gia đình như cách trồng rau, dọn cơm, rửa chén, gấp chăn..., quan trọng hơn là việc thiết kế cho các em có những không gian riêng như phòng ngủ, phòng ăn, góc học tập, góc vui chơi và giải trí, để các em có thể vừa học tập, vừa chơi đùa và cảm thấy quen thuộc, gần gũi như đang sống trong chính ngôi nhà của mình. Ngoài ra, các bài tập thực tế bên ngoài sẽ giúp cho các em có cách tiếp cận và hiểu về “cuộc sống thật” bên ngoài hơn như cách đi xe buýt, đi siêu thị, dã ngoại…. vào các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần. Bên cạnh đó, những bài tập về tâm vận động cũng được các cô “rèn luyện” cho các em vào mỗi buổi sáng, để các em rèn luyện thân thể, cảm thấy thư giãn, vui vẻ và có sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên để làm được những điều này, đòi hỏi các chuyên viên phải hết sức kiên trì và chịu khó, miệt mài chiến đấu với những khó khăn mà cô trò đang gặp phải.
Bài tập tâm vận động dành cho các em vào mỗi buổi sáng.
Tiếp xúc và trò chuyện với cô Đặng thị Diễm Hường, trưởng bộ phận KNS, được cô tâm sự: “Dạy một đứa trẻ bình thường khó một, thì việc dạy một đứa trẻ tự kỷ khó hơn rất nhiều . Hơn nữa, đây lại là những đứa trẻ rất đặc biệt, hầu như lúc nào các cô cũng phải cầm tay chỉ việc, dạy cho các em từng chi tiết nhỏ như treo khăn vào đúng vị trí sau khi rửa mặt, treo móc, cất đồ, cất dụng cụ cá nhân sau khi tắm rửa, đánh răng…”. Đôi khi, chỉ là một việc làm đơn giản mà lẽ ra đứa trẻ nào cũng làm được, nhưng với các em thì phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí khi các em đã thực hiện được rồi, ngày hôm sau các em lại quên, cho nên các cô phải dạy lại từ đầu.
Cô đang dạy cho các em cách đánh răng, súc miệng và treo khăn vào đúng vị trí của mình.
Đến với trường hợp của em Nguyễn Q N được đánh giá là rối loạn phổ tự kỷ nặng, em bị hạn chế về mặt ngôn ngữ nên không thể diễn đạt được bản thân em muốn gì, khi không vừa ý là em liền nảy sinh hành vi như: cào cấu cô, thậm chí cắn cô. Ban đầu cô Hường cảm thấy sợ và né tránh, nhưng đêm về cô lại trăn trở trong lòng, cô nghĩ nếu cứ tiếp tục né tránh thì biết đến bao giờ em mới tiến bộ được, nên cô phải tiếp xúc và suy nghĩ tìm mọi cách để giúp em kìm hành vi của mình lại, từ một cậu học trò bướng bỉnh thì đến ngày hôm nay em đã biết tự đánh răng, súc miệng khi ngủ dậy, tự biết treo khăn vào đúng vị trí của mình. Với trường hợp của em Huỳnh.L.N.K cũng được đánh giá là rối loạn phổ tự kỷ nặng, em chưa có ngôn ngữ cho nên khả năng hiểu và nhận thức của em rất hạn chế, đặc biệt em rất thích ngửi những mùi lạ như: Xà bông, nước lau nhà.., nhiều lúc em rất bướng bỉnh, thích làm theo ý mình, hầu như lúc nào các cô cũng phải để mắt chú ý đến em, thậm chí các cô luôn phải cầm tay chỉ việc, chỉ bảo cho em từng cử chỉ nhỏ nhất như: mặc áo quần, cất đồ dơ,cách đánh răng, rửa mặt…, như hiểu được điều mà các thầy, cô đã không ngại khó khăn chỉ dạy cho mình đến ngày hôm nay NK đã biết tự mặc quần áo, tự biết cất đồ dơ, khi đi dạo phố biết ngoan ngoãn nắm tay cô cùng cô đi. Quá trình dạy của cô Hường và các cô khác hầu như không hề có giáo án cụ thể, mà tùy vào tình hình các em mà cô sẽ đưa ra giáo án phù hợp. Có nhiều lúc cô cảm thấy nản lòng vì quá mệt mỏi, nhưng khi nhìn thấy những thành quả và sự tiến bộ của các em, cô như được tiếp thêm sức mạnh, thêm động lực để tiếp tục cố gắng. Trường hợp của 2 em QN và NK chỉ là một trong số trường hợp “ đặc biệt” trong lớp học “đặc biệt”. Khó khăn là thế nhưng các cô lúc nào cũng vui vẻ, luôn cố gắng, kiên nhẫn và hết mực yêu thương thì mới mong có thể dìu dắt được các em, giúp các em làm quen với những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống hàng ngày.
Các cô đang dẫn các em đi dạo phố.
Tại mô hình lớp KNS, giờ đây chúng ta đã có thể thấy được những mầm rau xanh, những bông hoa đang bắt đầu hé nụ. Tất cả được gieo bởi chính đôi bàn tay các em, những bàn tay non nớt, ngây ngô cùng với các cô đã làm nên tất cả; từ công đoạn xới đất, cách gieo, cách tưới để cho ra thành quả là những hạt mầm đâm chồi xanh tốt. Và ngay trong lớp học “đặc biệt” này, chiếc bồn rửa chén, cây phơi đồ, cũng được trang bị rất tỷ mỷ nhằm dạy các em có thể biết cách rửa chén, giặt, phơi quần áo. Làm được điều này thật không đơn giản đối với các em, các cô luôn phải cầm tay chỉ việc, phải làm đi làm lại rất nhiều lần, phải hướng dẫn và tập cho các em từng thao tác nhỏ nhất. Để các em chịu lắng nghe và làm theo, các cô phải rất ân cần và dịu dàng chỉ bảo. Vào mỗi buổi sáng, khi đến với bài học tâm vận động các cô phải cầm tay, dìu em từng bước với hy vọng các em có được những bước đi vững vàng…
Những mầm rau xanh được gieo bởi các em lớp KNS.
Xuất phát từ tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ vô bờ, các thầy cô giáo đang giảng dạy tại SPAP luôn học hỏi, trao dồi kiến thức. Họ đang làm tất cả để đem đến niềm vui, niềm hy vọng cho những đứa trẻ “đặc biệt” ở lớp học rất “đặc biệt” này. Thầm mong những nụ cười ấm áp sẽ luôn nở trên môi các thầy cô, sự tiến bộ mà các thầy cô đã đem đến cho các em, sẽ phần nào tiếp thêm cho các thầy cô sức mạnh, để các thầy cô mãi tiếp tục với sự nghiệp của mình.
Ban truyền thông trung tâm Sông Phố.