Nhằm mục đích thông báo đến quý phụ huynh tình hình giáo dục, chăm sóc và can thiệp trẻ tại trung tâm, tạo điều kiện để phụ huynh trao đổi với chuyên viên về cách hỗ trợ can thiệp cũng như chăm sóc trẻ ngày một tốt hơn. Sắp tới, ngày 17/12/2017, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố (SPAP) sẽ tổ chức buổi họp phụ huynh định kỳ quý IV/2017, đây là hoạt động thường xuyên được tổ chức định kỳ tại trung tâm.
Mặc dù còn nửa tháng nữa cuộc họp mới được tiến hành, nhưng dường như không khí chuẩn bị cho cuộc họp tại Trung tâm lại vô cùng nhộn nhịp, bởi đây không chỉ đơn giản là những cuộc họp định kỳ như thường lệ, mà đây còn là buổi họp phụ huynh cuối cùng kết thúc năm 2017 để SPAP cùng phụ huynh đón chào một năm mới 2018 với nhiều điều khởi sắc mới, mới mẻ.
Thông qua cuộc họp nội bộ tại trung tâm, ngay sau khi được Ban giám đốc TT thông báo về kế hoạch họp phụ huynh sắp tới, các bộ phận can thiệp thuộc cơ sở hỗ trợ và can thiệp trẻ tự kỷ đã nhanh chóng triển khai và thực hiện các hoạt động “Đánh giá” trẻ. Bằng các bài test chuyên môn được sử dụng tại trung tâm như: VPMAPP, PEP3, ABSS2….. kết hợp cùng các bộ công cụ đánh giá mực độ phát triển của trẻ, các lớp đã phân loại và đánh giá sự phát triển trong thời gian 3 tháng vừa qua.
Đến với lớp Can thiệp sớm 1 (CTS1) , là lớp có số lượng 15 bé có độ tuổi từ 2 – 4 tuổi, chủ yếu mắc chứng Chậm nói, và Rối loạn phát triển ngôn ngữ đang được hỗ trợ và can thiệp bởi 5 chuyên viên can thiệp là cử nhân các nghành Công tác xã hội, Tâm lý học và Giáo dục đặc biệt, chúng ta thấy được công tác chuẩn bị cho cuộc họp hoàn toàn nghiêm túc của các chuyên viên. Cầm bộ công cụ VPMAPP trên tay, cô Nguyễn Thị Thảo, chuyên viên can thiệp của lớp chia sẻ: “Hiện nay, lớp CTS1 đánh giá chủ yếu là dựa vào bộ công cụ này, vì phần đông các bé ở đây đều là trẻ chậm nói nên việc đánh giá và sàng lọc lại sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn và mốc phát triển là vô cùng quan trọng. Việc đánh giá phải được tiến hành từng bước kỹ lưỡng và cẩn thận, kết hợp với các kỹ năng quan sát trẻ rất tỉ mỉ, nếu không để ý, có thể sẽ nhầm lẫn dấu hiệu của rối loạn phát triển dạng này sang dạng khác”. Cùng quan điểm với cô Thảo, cô Lê Thị Hiền, trưởng bộ phận lớp CTS1 chia sẻ thêm: “Việc hỗ trợ và can thiệp trẻ có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc Chuẩn đoán và đánh giá trẻ ở giai đoạn ban đầu, sau đó phụ thuộc vào các mục tiêu và khả năng của trẻ. Trong các giai đoạn phát triển của trẻ, việc đánh giá giúp phân loại và đo lường sự phát triển, tiến bộ của trẻ của các mốc thời gian”.
Một buổi đánh giá bé tại trung tâm
Khác với lớp CTS1, các bộ phận Hòa nhập 1 (HN1) và Hòa nhập 2 (HN2) thuộc lớp Kỹ năng sống và Tiền học đường lại có những nét đặc thù riêng, bởi đa số học sinh được can thiệp và hỗ trợ tại các bộ phận này là trẻ mắc chứng Chậm phát triển trí tuệ và Rối loạn phổ tự kỷ, vì vậy các bé ở đây gặp phải rất nhiều khó khăn về nhận thức, điều khiển hành vi…, nên đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng, kiên trì của các chuyên viên và sự hỗ trợ của phụ huynh tại nhà. Theo dõi cô Phạm Thị Nga, trưởng bộ phận HN1 đang đánh giá trường hợp của bé D.H ( mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ) bằng bộ công cụ PEP3 mới thấy được hết sự tận tình và tấm lòng của các cô dành cho bé. Bé D.H năm nay 10 tuổi, theo học ở TT đã gần được 3 năm. Từ những ngày đầu vất vả, chập chững theo học tại TT, giờ đây bé đã khá nhanh nhẹn và phát triển hơn so với các bé khác cả về mặt vận động lẫn khả năng tiếp thu. Mặc dù nhà bé ở tận Nhơn Trạch, hoàn cảnh gia đình bé cũng khó khăn, một tuần bé chỉ đến lớp được hai ngày nhưng với sự nổ lực của các chuyên viên cùng với sự phối hợp của ba mẹ bé tại nhà thì bé đã có những tiến bộ rõ rệt. Mỗi lần thấy được sự phát triển và tiến bộ rõ rệt của các bé ở đây, chúng tôi cho rằng đó không chỉ là đơn giản là sự thành công mà còn là niềm hạnh phúc mong mỏi vô bờ của đội ngũ chuyên viên tại trung tâm và gia đình trong quá trình dạy dỗ và can thiệp cho các bé – Cô Phạm Nga chia sẻ.
bài tập tâm vận động dành cho trẻ
Trong thời gian sắp tới SPAP sẽ tập trung đẩy mạnh chất lượng dạy học, bồi dưỡng, trao dồi kỹ năng cho các chuyên viên để quá trình dạy dỗ và can thiệp các bé được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này không chỉ cần sự cố gắng, kiên trì và tận tình của các chuyên viên mà thêm vào đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên viên và phụ huynh các em khi ở trung tâm cũng như lúc ở nhà. Hy vọng rằng, thông qua cuộc họp phụ huynh sắp tới sẽ là cơ hội để cả Trung tâm và phụ huynh có nhiều trao đổi, chia sẻ nhau hơn để cùng nhau xây dựng mục tiêu phát triển bền vữn và lâu dài trong tiến trình hỗ trợ, can thiệp và trị liệu cho các bé.
Ban Truyền thông SPAP