Chính sách giáo dục trẻ khuyết tật - Thực trạng và đề xuất hoàn thiện

Hỗ trợ trực tuyến
Chính sách giáo dục trẻ khuyết tật - Thực trạng và đề xuất hoàn thiện

    Th.s. Nguyễn Trung Thành
    Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội


    1. Khái quát thực trạng người khuyết tật Việt Nam

    Việt Nam là Quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, với dân số  khoảng 90 triệu dân trong đó 51% là nữ. Trong những năm qua việc chăm sóc  người khuyết tật mà trọng tâm là thúc đẩy và bảo vệ quyền người khuyết tật để đảm bảo về mặt vật chất và tinh thần luôn là những định hướng chính sách quan trọng mà Đảng và Chính phủ Việt Nam thực hiện trong các giai đoạn phát triển đất nước.

    Ngày 17 tháng 6 năm 2010 Quốc hội thông qua Luật người khuyết tật. Luật người khuyết tật đã thể chế hoá hệ thống đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về người khuyết tật, xây dựng cơ sở pháp lý đảm bảo cho các hoạt động của đối tượng này đồng thời khuyến khích sự quan tâm rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc người khuyết tật và thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã kí kết và phê chuẩn vào tháng 11 năm 2014.

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009, cả nước có khoảng 6,1 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7,8% dân số, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng, chiếm 21,5% tổng số người khuyết tật. Bao gồm 29,41% người khuyết tật vận động, 16,83% thần kinh, 13,84% thị giác, 9,32% thính giác, 7,08% ngôn ngữ, 6,52% trí tuệ và 17% các dạng tật khác. Tỷ lệ nam là người khuyết tật cao hơn nữ do các nguyên nhân hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích...

    Nguyên nhân gây nên khuyết tật có tới 35,8% bẩm sinh, 32,34% do bệnh tật, 25,56% do hậu quả chiến tranh, 3,49% do tai nạn lao động và 2,81% do các nguyên nhân khác. Dự báo trong nhiều năm tới số lượng người khuyết tật ở Việt Nam chưa giảm do tác động của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và hậu quả thiên tai…

    Hiện nay cả nước có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, 28,3% NKT là trẻ em, 10,2% NKT là người cao tuổi, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo.

    Quá trình tổ chức thực hiện Luật NKT trong những năm qua cho thấy, Nhà nước, gia đình và xã hội đã nỗ lực cho mục tiêu bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội cũng như những quyền, lợi ích đặc thù của NKT trên nhiều mặt: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề và việc làm, bảo đảm điều kiện tiếp cận trong các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông… nhằm khắc phục một phần khó khăn cho NKT trong hòa nhập cuộc sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội, giảm thiểu dần những rào cản hòa nhập xã hội đối với NKT. Nhà nước đã bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện các chính sách đối với NKT (trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, cấp thẻ BHYT, chế độ mai táng phí, đầu tư cơ sở BTXH, chăm sóc NKT đặc biệt nặng cô đơn,…) và khuyến khích, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động trợ giúp NKT. Chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc, trợ giúp NKT được ưu đãi về tín dụng, thuế, tiền thuê đất… bước đầu có hiệu quả. Gia đình của NKT phát huy tích cực vai trò quan trọng trong bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc NKT. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương NKT không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, được xã hội, cộng đồng tôn vinh, đánh giá cao.

    Đánh giá về  các chính sách giáo dục đối với NKT được quy định trong Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác cho thấy việc giáo dục NKT đã được cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo giáo dục TKT và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được thành lập ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và ở các địa phương. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 78.121 TKT có khả năng học tập đang đi học, chủ yếu là học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông. Bộ Giáo dục cũng đã chỉ đạo để ban hành quy định về thống nhất sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong toàn quốc, nghiên cứu biên soạn tài liệu ngôn ngữ ký hiệu dành cho các cấp học phổ thông, xây dựng các chương trình giáo dục đặc biệt đối với TKT, đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Hiện nay, cả nước có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh đã thực hiện tốt các chức năng cơ bản là tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên, phụ huynh học sinh và TKT, can thiệp sớm, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, cán bộ cộng đồng.

    2. Hệ thống chính sách hỗ trợ về giáo dục người khuyết tật

    2.1. Quy định pháp luật hiện hành về giáo dục người khuyết tật

    Luật Người khuyết tật dành một chương quy định về Giáo dục đối với người khuyết tật (từ điều 27 đến Điều 31 Luật NKT) trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm hòa nhập của người khuyết tật trong giáo dục người khuyết tật. Ngoài ra còn có nhiều văn bản luật khác cũng có những quy định liên quan đến giáo dục trẻ em khuyết tật. Luật NKT đã quy định cụ thể về phương thức giáo dục người khuyết tật, chính sách hỗ trợ với nhà giáo và nhân viên hỗ trợ người khuyết tật học tập, trách nhiệm của cơ sở giáo dục và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Nội dung cơ bản bao gồm:

      - NKT được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi (Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định chính sách về giáo dục đối với NKT), được hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông như đối với học sinh trưởng phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc ít người theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục& Đào tạo ban hành. NKT được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp. Căn cứ vào kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ) và tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo, Hiệu trưởng các trường hệ trung cấp chuyên nghiệp xem xét và quyết định tuyển thẳng.

    - NKT nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng. Quy định về ưu tiên nhập học tuyển sinh các hệ được quy định trong Quy chế tuyển sinh các hệ do Bộ GD&ĐT ban hành.

    - NKT học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập: Người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong kế hoạch giáo dục cá nhân. Đánh giá chung như học sinh không khuyết tật nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập. Đối với những môn học hoặc hoạt động giáo dục NKT không đáp ứng được yêu cầu chung thì được đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân, không đánh giá những nội dung môn học, môn học hoặc nội dung giáo dục được miễn.

    - NKT học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt: Chương trình học phù hợp với từng dạng khuyết tật. Trường hợp NKT không đáp ứng được chương trình thì người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong Kế hoạch giáo dục cá nhân. Việc đánh giá theo quy định dành cho giáo dục chuyên biệt. Đối với những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà NKT không có khả năng đáp ứng yêu cầu giáo dục chuyên biệt thì đánh giá theo kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân.

    - NKT được miễn, giảm học phí, chi phí học tập theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 - 2015 và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010.

    - Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) đối với NKT học tại các cơ sở giáo dục do đơn vị quản lý hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả.

    - NKT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở. Thời gian hưởng trợ cấp: 10 tháng/năm học và 9 tháng/năm học tùy từng đối tượng. NKT đã được hưởng học bổng theo quy định tại Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ không áp dụng chế độ này.

    - NKT thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học. NKT thuộc nhiều đối tượng nhận hỗ trợ thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

    - Cơ sở giáo dục công lập có NKT đang theo học có trách nhiệm lập phương án mua sắm tài liệu học tập, đồ dùng học tập đặc thù, dùng chung và dự toán kinh phí gửi cơ quan chủ quản phê duyệt. Trên cơ sở dự toán kinh phí được phê duyệt, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện mua sắm theo quy định.

    - Các đối tượng sau đây được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

    - Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp giảng dạy, quản lý người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;

    - Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục khác.

    - Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương cơ sở.

    2.2. Nhiều quy định pháp luật hướng đến việc ưu đãi và bảo vệ trẻ em khuyết tật

    a. Xác định mức độ khuyết tật cho trẻ em là cơ sở thực hiện các hình thức hỗ trợ giáo dục           

    Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em khuyết tật (trẻ dưới 16 tuổi) được xác định mức độ khuyết tật trên cơ sở sử dụng 2 bộ công cụ, dưới 6 tuổi và trên 6 tuổi theo quy định tại Thông tư 37/2013/TTLT- BLĐTBXH-BYT-BGDĐT-BTC và việc xác định khuyết tật là cơ sở thực hiện các chính sách liên quan trong đó có hỗ trợ giáo dục
               
    Đối với trẻ từ 6 tuổi trở xuống thì Hội đồng XĐMĐKT chỉ thực hiện với các dạng vận động; KT nhìn; KT thần kinh tâm thần/ Dạng KT còn lại gửi HĐGĐYK thực hiện.
    Đến nay theo báo cáo của các tỉnh, thành phố đã thực hiện xác định và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho khoảng 1.311.332 người khuyết tật trong đó: số người khuyết tật là trẻ em: 173.131 em; số người khuyết tật là người cao tuổi: 413.317 người; số người khuyết tật thuộc hộ nghèo: 325.670 người. Về mức độ khuyết tật có 266.639 người khuyết tật đặc biệt nặng; 501.567 người khuyết tật nặng; 543.126 người khuyết tật nhẹ.
               
    Nhìn chung công tác thực hiện xác định mức độ khuyết tật đã được triển khai tốt. Tuy nhiên, một số tỉnh mới chủ yếu tập trung thực hiện đối với nhóm đối tượng thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội còn lại các nhóm hưởng chính sách người có công, chính sách bảo hiểm xã hội, khuyết tật nhẹ chưa thực hiện đầy đủ.
               
    Quá trình xác định khuyết tật cho trẻ em hiện nay công cụ đánh giá khả năng học tập còn ít thông tin do vậy việc xác định các hình thức hỗ trợ học tập chưa được triển khai đầy đủ.
               
    Đối với trẻ em trên 6 tuổi thì việc đánh giá khả năng tự phục vụ nhu cầu cá nhân chưa có các tiêu chí đánh giá khả năng học tập do vậy lựa chọn hình thức và phương thức giáo dục phù hợp còn thiếu chặt chẽ.

    b. Chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng ưu tiên trẻ em khuyết tật

    Chính sách trợ giúp xã hội là một trong những nội dung chính sách quan trọng nhằm bảo đảm đời sống vật chất cho người khuyết tật. Để hướng dẫn thực hiện trợ giúp xã hội Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ quy định cụ thể về mức, chế độ và thủ tục, hồ sơ, trách nhiệm địa phương và Bộ, ngành trong Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Trong đó điều chỉnh tăng mức trợ giúp 1.5 lần so với mức cũ quy định trước khi Luật ban hành. Thủ tục, hồ sơ rút gọn, đơn giản dễ cho người khuyết tật và địa phương thực hiện. Trong đó, bỏ sơ yếu lý lịch, đơn và các giấy tờ y tế bằng tờ khai và giấy xác nhận khuyết tật. Thời gian rút ngắn từ 36 ngày theo quy định trước Luật xuống 25 ngày (đối tượng làm hồ sơ thủ tục trong 1 tháng thì nhận được chính sách). Đồng thời ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về mẫu hồ sơ, thủ tục và trình tự xét duyệt cũng như các điều kện bảo đảm thực hiện. Cùng với việc ban hành văn bản đã tổ chức tập huấn, triển khai, chỉ đạo thành lập Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội, kiểm tra giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình thực hiện. Do vậy, chính sách này đã được thực hiện tương đối tốt và đầy đủ. Số đối tượng hưởng tăng từ 400 ngàn năm 2010 lên 890 năm 2014 (tăng trên 2,2 lần). Mức trợ cấp đã được điều chỉnh tăng từ 180.000 đồng năm 2010 lên 270.000 đồng năm 2015. Nếu tính chung cả tăng hệ số và tăng mức chuẩn thì chế độ trợ cấp đã tăng 2,25 lần so với trước khi ban hành Luật. Mặc dù, trợ giúp xã hội đã có tác động tốt đến đời sống vật chất của người khuyết tật. Song, việc thực hiện ở địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Vẫn còn một số người khuyết tật chưa được hưởng chính sách, một số địa phương chậm thực hiện điều chỉnh hệ số theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và Nghị định 136/2013/NĐ-CP.

    Theo quy định Luật người khuyết tật 2010 thì trẻ em khuyết tật được ưu tiên trong hệ thống chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng. Nội dung cụ thể bao gồm:

    - Hệ số hưởng TCXH đối với TKT cao hơn 0,5 so với hệ số chung.
    (Đây là điểm mới cơ bản trong TCXH đối với trẻ em KT). Trong trường hợp trẻ em khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thì mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được ưu tiên thêm đã giải quyết một phần khó khăn cho trẻ em khuyết tật, trên cơ sở đó việc tiếp cận giáo dục cũng được nâng cao một bước.

    -  Hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng trong đó có trẻ em được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hệ số 1,0. Chính sách này nhằm hỗ trợ trực tiếp đang trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc trẻ khuyết tật đặc biệt nặng. Tuy nhiên thực tế cho thấy đối với những trường hợp trẻ em khuyết tật nặng thì nhu cầu từ việc chăm sóc và hỗ trợ từ phía gia đình là rất lớn nhưng hộ gia đình hiện nay chưa được hỗ trợ.

    -  Người nhận chăm sóc TKT đặc biệt nặng được hỗ trợ hệ số 1,5. Chính sách này nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng vì có ưu tiên trong việc nhận nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng Bảo trợ xã hội.

    -  Người KT nặng, đặc biệt nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ hệ số 1,5. Đây là chính sách mới và tác động trực tiếp đến việc chuẩn bị hỗ trợ một phần cho việc học tập của trẻ em khuyết tật, hệ số này tăng lên 2,0 khi vừa nuôi con dưới 36 tháng tuổi và mang thai.

    2.3. Một số tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện chính sách giáo dục người khuyết tật

    - Công tác tuyên truyền về các chính sách giáo dục cho người khuyết tật còn hạn chế cả về nguồn lực và cách thức thực hiện, dẫn đến người khuyết tật chưa có nhiều thông tin về  cơ sở giáo dục chuyên biệt hoặc bán hòa nhập dẫn đến TKT chưa có cơ hội tiếp cận với các hình thức giáo dục phù hợp. Trong điều kiện một số dạng tật phức tạp như tự kỷ và KT trí tuệ diễn biến phức tạp thì việc chuẩn hóa hoặc xây dựng lộ trình giáo dục phù hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc hòa nhập cộng đồng xã hội. Một số địa phương thì cơ sở giáo dục chuyên biệt còn đặt ngay tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Về quản lý giáo dục thì hiệu quả cần nghiên cứu thêm.

    - Thực tiễn triển khai chương trình hỗ trợ giáo dục mà đặc biệt là trợ cấp xã hội hàng tháng thì thấy rằng còn có sự chồng chéo. Việc trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc tương tự nên để ngành Lao động Thương binh và Xã hội quản lý mới bảo đảm tính thống nhất.

    - Việc quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt cần sớm được nghiên cứu và hoàn chỉnh. Hiện nay nhiều tỉnh thành không có các trường chuyên biệt trong khi thực tế nhu cầu học trong các trường chuyên biệt đối với những trường hợp không thể học hòa nhập là rất khó khăn

    - Đội ngũ giáo viên dạy hòa nhập chưa được trang bị các kiến thức cơ bản liên quan đến trẻ khuyết tật trong khi những đặc điểm tâm sinh lý, kiến thức về dạng tật và mức độ khuyết tật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của trẻ.

    3. Một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hoạt động giáo dục trẻ em khuyết tật

    - Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng (tổng số, tình trạng sức khỏe, dạng tật; mức độ khuyết tật; số người có nhu cầu về học văn hóa, khả năng học tập phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của người khuyết tật ở từng địa phương và trong cả nước. Để có cơ sở xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách giáo dục trẻ em khuyết tật.
     
    -  Quy định thẩm quyền xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi cho Hội đồng cấp xã. Hiện nay việc xác định khuyết tật cho trẻ bị tâm thần kinh, khuyết tật nghe nói lên Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh rất khó khăn cho các cháu trong khi Hội đồng cấp xã có thể kết luận mức độ khuyết tật trên cơ sở thông tin của cơ quan y tế có thẩm quyền. Quy định hiện nay các địa phương thực hiện không đồng đều do vậy chưa bảo đảm quyền lợi cho trẻ em khuyết tật.

    - Cần thiết có quy định Bổ sung thành viên Hội đồng xác định khuyết tật là các nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng các trường tiểu học, mầm non công lập. Hiện nay việc bổ sung các nhà quản lý giáo dục vào hội đồng đánh giá khuyết tật ở cơ sở là cần thiết bởi phần lớn trẻ em trong độ tuổi đến trường hoặc được quan sát từ nhà trẻ, mẫu giáo. Đối với trẻ em khuyết tật thì việc đánh giá khả năng hòa nhập giáo dục là cơ sở để thực hiện các nội dung can thiệp sớm bảo đảm hòa nhập cộng đồng xã hội.

    - Quy hoạch hệ thống các trường chuyên biệt, Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trên cở sở điều tra đánh giá thực trạng các cơ sở giáo dục và các dạng tật hiện nay. Nhiều trẻ em ở địa phương không có trường chuyên biệt đã phải khó khăn trong việc tìm kiếm cho mình một   môi trường giáo dục phù hợp. Ngay trên cùng địa bàn cấp tỉnh cũng có nhiều địa chỉ mà việc giáo dục cần có quy định chặt chẽ về điều kiện tổ chức và hoạt động. Đâu đó còn có hiện tượng tự phát trong việc thiết lập cơ sở giáo dục cho từng nhóm trẻ khuyết tật. Việc giáo dục cần thiết với việc khôi phục khả năng lao động việc làm và tiếp cận với các dịch vụ xã hội khác.
      
    - Thiết lập, ban hành mẫu phiếu xác định khuyết tật có nội dung đánh giá khả năng học tập của trẻ em nhằm lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp là nội dung quan trọng thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay các mẫu phiếu liên quan đến thông tin trẻ em khuyết tật hầu như không có dữ liệu đánh giá khả năng nhận thức cũng như nhu cầu giáo dục. Khi nội dung này bỏ ngỏ tức là cơ hội lựa chọn hình thức và phương pháp giáo dục phù hợp để mặc cho mỗi gia đình của họ vốn chỉ giàu lòng yêu thương mà các kỹ năng chuẩn và khoa học thì không chắc gia đình có TKT được trang bị.
     
    -  Nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho trẻ khuyết tật nhẹ và khuyết tật nặng có gắn liền với từng dạng khuyết tật cụ thể. Để hòa nhập giáo dục thực sự thì không phải trẻ em khuyết tật nghe và khuyết tật vận động có nhu cầu hỗ trợ giống nhau. Các hỗ trợ đó nội dung nào thuộc trách nhiệm của nhà nước, của gia đình hay cơ quan Bảo hiểm y tế trong điều kiện hiện nay trẻ em khuyết tật nhẹ trên 6 tuổi không được hỗ trợ chính sách nào từ phía cơ quan nhà nước. Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ khuyết tật nhẹ là đòi hỏi từ thực tiễn bới người khuyết tật nhẹ thì khả năng hòa nhập xã hội cao hơn người khuyết tật nặng và nếu trẻ em khuyết tật nhẹ không được hỗ trợ sẽ có thể sớm trở thành khuyết tật nặng.

    - Việc thực hiện giáo dục trẻ em khuyết tật cần có sự phối hợp người cấp, nhiều ngành mà trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và ngành Y tế cần có chương trình tổng thể để thống nhất mục tiêu và định hướng nhằm đẩy mạnh hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật.
     
    -  Việc phát hiện sớm và can thiệp sớm trẻ khuyết tật và lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động giáo dục. Có trường hợp phát hiện sớm thì việc can thiệp sẽ thuận lợi và có hiệu quả còn can thiệp sau sẽ khó khăn và như vậy việc phối hợp quản lý giữa trạm y tế cấp xã cũng như trường mầm non cũng cần thiết và có ý nghĩa với trẻ em khuyết tật.
      
    - Một số dạng khuyết tật có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp như trẻ tự kỷ, trẻ hạn chế khả năng nhận thức cũng cần thiết có nghiên cứu và đánh giá tổng thể để xác định hình thức hỗ trợ phù hợp.
     
    - Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu và ứng dụng trong việc thúc đẩy giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật.

     

    Nguồn: Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt

    Đối tác của SPAP
    Đang online: 7 | Tổng truy cập: 35484