GIAN NAN HÀNH TRÌNH DẠY TRẺ…TỰ KỶ!

Hỗ trợ trực tuyến
GIAN NAN HÀNH TRÌNH DẠY TRẺ…TỰ KỶ!

    Đối với mọi người, việc nhìn thấy trẻ con biết nói, biết cười, biết vui chơi là điều bình thường. Nhưng đối với chúng tôi, những người làm “Nghề đặc biệt” thì được nhìn thấy các con biết cười, biết nói… là niềm hạnh phúc vô bờ.

     

    Gian nan “nghề” dạy trẻ….tự kỷ

    Cô Nguyễn Minh Trâm, chuyên viên dạy trẻ tại Cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ thuộc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, cô vào nghề từ năm 2010, tính đến nay đã được gần 5 năm làm nghề dạy trẻ đặc biệt, thế nhưng đến nay cô vẫn còn cảm thấy vẫn có nhiều băn khoăn, trăn trở với nghề.

    “Các con ở đây mỗi bé là một trường hợp đặc biệt, khả năng khác nhau và không có một giáo trình nào chung cho các con cả. Các cô ở đây phải dựa vào kết quả đánh giá và tùy vào tình trạng phát triển của từng bé để giúp các con phát triển tương tác, nhận thức của mình. Vì vậy yêu thương, nhiệt tình, chịu khó và đồng cảm với hoàn cảnh của các con chính là điều đòi hỏi phải có ở từng chuyên viên”, cô Trâm chia sẻ.

    Ở trường mầm non, dạy trẻ bình thưởng vốn được xem là một công việc đầy khó nhọc, nhưng dạy trẻ đặc biệt còn khó nhọc và thử thách hơn rất nhiều. Bởi,công việc này đòi hỏi người dạy trẻ không chỉ vững chuyên môn mà còn phải có lòng thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm.

     

    TRUNG TÂM TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG SÔNG PHỐ

    Một tiết can thiệp trẻ tại Cơ sở can thiệp trẻ thuộc Trung tâm Sông Phố

     

    Chỉ những người trong nghề mới thực sự thấu hiểu được nỗi khó nhọc của việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ tự kỷ. Đối với trẻ bình thường, các cô có thể hướng dẫn vài lần là các con tự biết cách làm, nhưng đối với những trẻ đặc biệt này thì có lúc hướng dẫn 100 lần, thậm chí lặp đi lặp lại cả 1000 lần trong vài tháng các con cũng chỉ mới biết được những cử chỉ cơ bản.

    Bởi, mỗi trẻ tự kỷ có một mức độ riêng, có một thế giới riêng, có hành vi và cảm nhận khác nhau, vì thế để có thể giúp các trẻ ý thức được xã hội, hòa nhập với cộng đồng thì người dạy trẻ phải có phương pháp và chương trình dạy khác nhau, phải hòa mình vào thế giới ấy mới hiểu và hỗ trợ cho trẻ. Đặc biệt, các cô phải chạy đua thời gian cùng với sự phát triển của trẻ để các em được can thiệp một cách tích cực trong giai đoạn “vàng”.  Thử thách quá lớn ấy khiến nhiều cô giáo đã có lúc nản lòng, cảm thấy áp lực nặng nề và , có ý định từ bỏ “nghiệp” dạy trẻ. Thế nhưng, khi các em có sự chuyển biến tốt, biết gọi tên cô, biết ạ, biết xin, chỉ tay, bái bai hay biết tự ăn…, lại là món quà lớn nhất đem lại cho các cô nhiều niềm vui và động lực để tiếp tục.

    Cô Lê Thị Hiền chỉ vào một bé đang chơi ở dưới phòng tâm vận động: “Lúc bé mới được đưa đến đây chưa biết nói từ gì, hỏi gì cũng chỉ lắc đầu và khóc, sau 6 tháng ròng rã tập nói, gia đình đã bật khóc khi con có thể gọi được những từ đơn giản như: ba, mẹ, ạ, xin… và giờ thì đã nói được rất nhiều từ đôi, từ ba, có thể hiểu và tương tác tiếp được với mọi người.

    Nước mắt rơi, nhưng không hề bỏ cuộc

    Vào cùng thời điểm với cô Trâm, có 5 với nghề, cũng được xem là chuyên viên có kinh nghiệm, thế nhưng cô Hoa lớp CTS1 cũng đã phải “Rớt nước mắt” tới... 6,7 lần vì áp lực công việc và vì những trăn trở với nghề. Vậy nhưng chưa lần nào cô nghĩ mình sẽ chuyển sang công việc khác.

    “Khi không hiểu và không thể giúp được gì cho sự phát triển của con, tôi đã tự trách mình, cảm thấy mình kém cỏi. Nhiều lần tôi khóc thầm khi con học được cả mấy tháng rồi vẫn không thể tiến bộ dù là nhỏ, thậm chí trở về “mức số không” khi gia đình cho cháu nghỉ ở nhà chỉ một vài ngày, và khi phụ huynh cũng là người sốt ruột. Thế nhưng, hôm sau đến lớp, được nhìn gương mặt của con, tôi lại mỉm cười và tự nhủ phải tiếp tục kiên trì từ những bài tập ban đầu”, cô Hoa chia sẻ.

     

    TRUNG TÂM TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG SÔNG PHỐ

    Nước mắt từng rơi, nhưng cô Hoa không hề bỏ cuộc

     

    Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng các cô luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc, cố gắng hoàn thiện các phương pháp dạy trẻ riêng, ghi lại hành vi của trẻ, thực hiện cách dạy phù hợp với từng trẻ. Các cô còn dạy trẻ từ những kỹ năng nhỏ nhất như: há miệng, thổi nến, ngồi yên, chỉ tay..., cho đến việc dạy các con  tập ăn, tập nói, đi vệ sinh, nhận biết màu sắc, chữ cái, nghe lời người lớn và biết chơi với các bạn.

    Cô Hoàng Thị Tuyền, chuyên viên lớp CTS2 chia sẻ: “So với đồng nghiệp thì tôi còn rất ít kinh nghiệm do mới vào nghề chưa đến một năm. Đến lúc này tôi cũng không lý giải được vì sao mình chọn công việc này. Những ngày đầu tiên khi bắt đầu công việc tôi cảm thấy rất khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của mọi người mà tôi đã hoàn thành được công việc. Giờ đây, thấy các con có sự tiến bộ rõ rệt mỗi ngày, tôi cảm giác mình đã được đền đáp rất nhiều”.

    Khi được hỏi kỷ niệm nào cô nhớ nhất trong gần một năm công tác tại trường, cô giáo Hoàng Thị Tuyền kể, lúc mới vào nghề, cô được phân công dạy bé T.T.P vào thứ bảy, bé rất lỳ và quậy phá. Vậy nên, cứ mở cửa là bé lại chạy ra ngoài,cô lại phải chạy đi giư bé và cô trò lại “đánh vật” với nhau. Sau khi dạy xong cô lại phải dọn dẹp ngay “bãi chiến trường” vừa bày ra nếu không các trẻ khác sẽ bốc cho vào miệng ngay. Kết thúc ngày, cô trò tiếp tục cùng nhau vật lộn trong nhà tắm vì quần áo con đã bị bôi choe choét màu dơ lên người. Điều đáng nói, các trẻ tự kỷ thường tăng động giảm tập trung. Nhìn bề ngoài trẻ rất hiền lành, nhưng bên trong lại rất hung dữ, sẵn sàng cắn, cào cấu, thậm chí là đánh cô, hoặc có những hành động gây hấn tự làm hại bản thân. Đối với những trẻ như vậy, các cô luôn phải có sự đánh giá, phân loại ngay từ đầu để áp dụng các phương thức dạy dỗ thích hợp. Cứ như vậy một cô một trò dạy đến khi trẻ thay đổi. Sự thay đổi này không giống với trẻ bình thường, đó chỉ là một hành vi nhỏ, một cử chỉ nhỏ, cũng là một sự thành công rất lớn và đối với các cô thì đó là cả một điều kỳ diệu.

    Đối với mọi người, việc nhìn thấy trẻ con biết nói, biết cười, biết vui chơi là điều không có gì lạ. Nhưng đối với chúng tôi, những người “Làm nghề đặc biệt” thì được nhìn thấy các con biết cười, biết nói… là niềm hạnh phúc vô bờ. Cô Tuyền chia sẻ thêm.

    Được biết, tại Đồng Nai, hội chứng tự kỷ nói riêng và rối loạn phát triển nói chung xuất hiện khá nhiều ở trẻ, nhu cầu các gia đình đưa con đến trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ là rất lớn. Để theo đuổi đến cùng sự nghiệp trồng người, những người giáo viên dạy trẻ đặc biệt này cần hơn ai hết sự kiên trì, tình yêu thương và lòng nhiệt huyết.

    HÀ PHÚC - Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố

    Đối tác của SPAP
    Đang online: 6 | Tổng truy cập: 61810