Được thành lập vào năm 2011, chỉ với số lượng hai trẻ đăng kí can thiệp ban đầu, cho đến nay khi sắp tròn sinh nhật 5 tuổi thì Cơ sở Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ Sông Phố (Cơ sở đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ) thuộc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố (SPAP) đã là địa chỉ đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ đáng tin cậy tại khu vực tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh lân cận.
Ý tưởng ban đầu
Cơ sở đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ thuộc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, được thành lập bởi các chuyên gia hoạt động về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công tác xã hội. Ban đầu, SPAP chỉ hoạt động về lĩnh vực tư vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người. Sau một thời gian hoạt động, làm việc với các đối tượng rối loạn tâm thần, nhận thấy rối loạn tâm lý ở trẻ ngày càng gia tăng, đặc biệt là các rối loạn về ngôn ngữ, rối loạn phát triển lan tỏa, Chậm phát triển trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ… Từ những nghiên cứu và đánh giá thực tiễn đó, họ đã mở rộng và thành lập Cơ sở Hỗ trợ phát triển giáo dục Hòa nhập trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ Sông Phố, là cơ sở Đánh giá và Can thiệp trẻ chuyên biệt đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai. Cũng bắt đầu từ đây, một cuộc chiến đầy cam go để đấu tranh tìm lại nụ cười cho các em mới thực sự bắt đầu.
Từ khó khăn
Để duy trì và hoạt động hiệu quả, uy tín như hôm nay thì tập thể đội ngũ chuyên viên can thiệp của cơ sở đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ đã trải qua rất nhiều khó khăn, cả về cơ sở vật chất cũng như các kiến thức chuyên môn để dạy trẻ. Nhớ lại thời điểm đó, Th.S Lê Minh Công, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của SPAP kể lại: “Thời gian đầu thành lập, cơ sở can thiệp trẻ chỉ có hai chuyên viên can thiệp với vài trẻ được gia đình đưa đến đăng kí can thiệp, lúc đó nhận thức về các rối loạn tâm lý ở trẻ còn hạn chế, vì vậy việc phổ cập, truyền thông kiến thức về tự kỷ cho phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn. Về sau, số lượng trẻ ngày càng tăng, Cơ sở lại gặp khó khăn về tài chính, cơ sở hạ tầng và kiến thức chuyên môn can thiệp trẻ. Toàn bộ nhân viên của SPAP tiếp tục cùng nhau học hỏi và tìm cách duy trì, phát triển trung tâm”.
Và thành quả
Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, từ vài trẻ đăng kí ban đầu, giờ đây SPAP đã có gần trăm trẻ đang can thiệp thường xuyên tại cơ sở can thiệp trẻ. Đội ngũ chuyên viên can thiệp có trình độ chuyên môn, tốt nghiệp các chuyên ngành Tâm lý giáo dục, Công tác xã hội, giáo dục đặc biệt và sư phạm mầm non… Với các hình thức can thiệp chuyên biệt như Can thiệp cá nhân (hình thức 1-1), Can thiệp nhóm, kết hợp các khóa hội thảo đào tạo, tập huấn do SPAP cùng các chuyên gia về lĩnh vực trẻ tự kỷ tổ chức. Giờ đây, đội ngũ chuyên viên tại SPAP ngày càng tự tin về chuyên môn, kinh nghiệm để can thiệp và hỗ trợ cho trẻ. Họ đã thành thạo trong việc sử dụng các bài test, các thang đánh giá chuyên môn như Pep3, VBMAP, ABSS2, mô hình can thiệp sớm Denver – phương pháp can thiệp lấy sự quan hệ giao tiếp và mốc phát triển làm nền tảng, sử dụng chương trình can thiệp hành vi của Mỹ (ABA) trong can thiệp trẻ một cách hiệu quả nhất. Họ giống như gia đình thứ 2 của trẻ, ngày càng được phụ huynh tin tưởng, yêu thương và gửi gắm các thiên thần nhỏ bé của mình.
Ba mươi lăm tuổi, quê ở An Giang lên Biên Hòa lập nghiệp, vợ chồng chị N.T.O hiện đang là công nhân tại khu công nghiệp Amata. Với mức thu nhập ít ỏi, hai vợ chồng gồng gánh mưu sinh và nuôi hai người con nhỏ, cuộc sống cơ cực chẳng đã giờ anh chị lại thêm vất vả khi đứa con thứ ba chào đời. Năm nay bé đã gần ba tuổi mà vẫn chưa biết nói, tương tác hạn chế với mọi người. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng và được người quen giới thiệu, anh chị đã đưa con tới Trung tâm SPAP khám và đăng kí cho con can thiệp tại đây. Trải qua hơn một năm được hỗ trợ can thiệp, giờ đây bé TĐ đã có thể bi bô nói và có thể đùa giỡn, tương tác với mọi người. Không cầm nổi nước mắt, người mẹ trẻ chia sẻ, thật sự mình rất vui vì giờ đây con có thể gọi cha và mẹ, có thể đùa giỡn với mọi người trong gia đình và với người khác nữa, bé không còn sợ chỗ lạ và hay ăn vạ, giận dữ như lúc trước, đó là một niềm hạnh phúc mà cả hai vợ chồng đều mong ước bấy lâu.
Giống như hoàn cảnh của gia đình chị O, gia đình anh T ở Biên Hòa, Đồng Nai đã có một thời gian ăn ngủ không ngon khi nghe bác sĩ chuẩn đoán con trai TQ bé bỏng của mình mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ; mất một thời gian để cân bằng lại tâm lý, vợ chồng anh chị mới đưa con đến can thiệp tại trung tâm. Sau hai năm can thiệp và đánh giá định kì, bé TQ đã có nhiều dấu hiệu phát triển tiến bộ, có thể tương tác và hiểu - làm theo yêu cầu của mọi người. Không còn lo âu, suy sụp tinh thần như trước, nhưng anh chị vẫn luôn hy vọng bằng sự nỗ lực, cố gắng của gia đình, kết hợp cùng sự hỗ trợ can thiệp của các chuyên viên can thiệp tại cơ sở can thiệp trẻ thuộc SPAP thì con anh chị sớm có thể thoát ra khỏi thế giới nhỏ bé, riêng biệt của mình để hòa nhập cùng mọi người.
Một buổi can thiệp trẻ tại SPAP
Theo Th.S Lê Minh Công, Tự kỷ và các rối loạn tâm lý khác không phải là bệnh vì vậy hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu , mà điều trị chủ yếu bằng 2 nhóm liệu pháp phục hồi chức năng là: các liệu pháp có bằng chứng liên quan đến tâm lý giáo dục và các nhóm liệu pháp không có bằng chứng như: ăn kiêng, châm cứu, bấm huyệt, oxy cao áp... Hiện nay, phương pháp chính can thiệp được triển khai tại cơ sở can thiệp trẻ thuộc SPAP là các liệu pháp liên quan đến tâm lý giáo dục.
Qua gần 5 năm hoạt động, số trẻ tự kỷ đến đánh giá và can thiệp tại cơ sở can thiêp trẻ tự kỷ thuộc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố ngày càng tăng. Từ vài trẻ đăng ký khi mới thành lập, đến nay đã có gần trăm trẻ can thiệp tại Trung tâm, đa phần là trẻ có độ tuổi từ 3 đến 11 tuổi. Trung bình mỗi năm trung tâm đánh giá và cho hòa nhập cộng đồng 15 trẻ, giúp các bé tự tin tìm lại những nụ cười.
Một số hoạt động tại cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ:
Khám sàng lọc và đánh giá trẻ có rối loạn phát triển
Các hoạt động can thiệp trẻ tại trung tâm
Hoạt động đánh giá chuyên môn
Các chương trình tập huấn, đào tạo cho phụ huynh và chuyên viên
Các hoạt động dã ngoại dành cho trẻ tại SPAP
SPAP hưởng ứng ngày thế giới nhận biết về tự kỷ
Hà Phúc
Ban Truyền thông trung tâm Sông Phố