Họ đều làm nghề nhà giáo, nhưng có lẽ họ là những người thầy người cô có các cô cậu học trò đặc biệt nhất. Bởi lẽ, với các thầy cô tại môi trường học tập phổ thông thì hàng ngày những lời chào hỏi thầy cô là những điều hết sức bình thường, còn ở đây, thì đó được coi là một món quà “xa xỉ” mà chính các thầy cô phải mong đợi hằng ngày. Không phải vì học trò ờ đây “cá biệt”, mà vì học trò ở đây có những điều “đặc biệt” một cách lạ kỳ.
Theo chân cô Phan Thị Hương từ sáng sớm, sau một đoạn đường dài gần 20km, chúng tôi đã có mặt tại “Ngôi trường đặc biệt” nơi chị làm việc từ lúc 6h30. Cũng như mọi ngày bình thường, vào giờ này tại Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, nơi có cơ sở hỗ trợ và can thiệp cho trẻ tự kỷ tại tỉnh Đồng Nai nhộn nhịp vô cùng. Bởi, đây là lúc ba mẹ các em tất bật chuẩn bị tới nơi làm việc và cũng là lúc các em đi theo để kịp đến trường.
Làm việc ở đây bắt đầu từ khi cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ được thành lập, tính đến nay đã được 6 năm, chị Lê Thị Hiền, trưởng bộ phận lớp Can thiệp sớm 1, nơi chị cùng các đồng nghiệp khác chăm sóc và hỗ trợ cho 15 bé có độ tuổi tư 2- 4 tuổi chia sẻ: Trẻ bị hội chứng tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp, quan hệ xã hội, đồng thời có những biểu hiện hành vi lặp đi lặp lại mang tính rập khuôn, máy móc. Mỗi trẻ bị tự kỷ lại có một dạng rối loạn khác nhau. Hành vi, tính cách của các em cũng không em nào giống em nào. Vì vậy việc giao tiếp của trẻ tự kỷ hoàn toàn khó khăn, và việc giáo dục trẻ tự kỷ thì lại càng đặc biệt, bởi việc dạy trẻ tự kỷ gần như không có giáo án cụ thể nào, mà thầy cô phải sát sao và có cách hướng dẫn, dạy dỗ khác nhau cho từng trẻ .
Hoạt động sáng tạo dụng cụ can thiệp cho trẻ tại trung tâm
Cô Nguyễn Minh Trâm, Trưởng bộ phận lớp Hòa Nhập 2, nơi các bé có độ tuổi từ 10 -15 tuổi cho biết: Hầu hết, các giáo viên tại đây đều tốt nghiệp các chuyên nghành Tâm lý giáo dục, giáo dục đặc biệt và Công tác xã hội. Tuy nhiên, khác với những kiến thức được học ở trường về các đối tượng “chuyên biệt” và “yếu thế” thì những kiến thức cơ bản về trẻ tự kỷ và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ tự kỷ hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, các thầy cô giáo ở trung tâm chủ yếu phải dựa vào kinh nghiệm thực tế khi tiếp xúc trẻ, và thông qua các khóa tập huấn hỗ trợ chuyên môn tại trung tâm để có thể đưa ra giáo án phù hợp cho từng trường hợp trẻ. Các chuyên viên tại Trung tâm Sông Phố vẫn thường xuyên tự tìm hiểu, học tập và tham gia các chương trình tập huấn, hội thảo trong nước và quốc tế về trẻ tự kỷ để nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục.
Chị Dương Thị Lý, Phó giám đốc Trung tâm Can thiệp cho trẻ tự kỷ đầu tiên của Đồng Nai mang tên “Sông Phố” chia sẻ: Với giáo viên dạy trẻ tự kỷ, ngoài kỹ năng dạy trẻ thì sự kiên nhẫn và cảm thông với số phận các em là điều quan trọng nhất. Ở những lớp học phổ thông khác, hết buổi học, gấp vở lại là xong giáo án. Nhưng với lớp học này, có những trang giáo án kéo dài từ ngày này qua ngày khác, thậm chí từ tuần này qua tuần khác, cá biệt có trường hợp đến cả 1 hoặc 2 năm. Lý giải cho điều “Đặc biệt” này, chị Lý chia sẻ thêm: Sở dĩ, có trường hợp này vì đặc điểm chung của trẻ có rối loạn phát triển là mức độ nhận biệt và khả năng ghi nhớ rất hạn chế, chính vì vậy có những bài học dạy cho con đã thành thục ở trường nhưng về nhà con lại không nhớ, rồi chỉ một vài hôm con lại quên luôn. Để bài học đó trở thành kỹ năng và trẻ có thể hiểu thì các cô phải ôn đi ôn lại, dạy dỗ và hỗ trợ cho trẻ từng ngày. Bù lại, đằng sau những giọt mồ hôi và những tháng ngày khó nhọc ấy là những niềm hạnh phúc vô bờ của các thầy cô tại trung tâm khi hàng năm có hàng chục trẻ được đánh giá và giới thiệu ra hòa nhập bên ngoài.
Một buổi họp phụ huynh tại trung tâm sông phố
Hiện nay, chưa có thông kê chính thức về số lượng trẻ có rối loạn phát triển nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng ở tại nước ta. Nhưng theo thông kê từ các bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tại TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện tâm thần nhi cho thấy trẻ có rối loạn phát triển, đặc biệt là tự kỷ ngày càng tăng cao. Tại Đồng Nai, trung bình một tuần có đến hàng chục ca tới Bệnh viện Tâm thần TW2 và các trung tâm can thiệp trẻ để thăm khám, đăng kí can thiệp. Tuy nhiên, số lượng trẻ ngày càng đông và các trung tâm hỗ trợ, can thiệp cho trẻ còn hạn chế đang là một trong những thách thức và khó khăn cần có hướng giải quyết kịp thời. Đây là thiệt thòi lớn với các em và đặc biệt đối với những trẻ không có khả năng hoà nhập, các em sẽ trở thành gánh nặng suốt đời của gia đình.
Theo các chuyên gia tâm lý, Tự kỷ và các rối loạn tâm lý khác không phải là bệnh vì vậy hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu , mà điều trị chủ yếu bằng các nhóm liệu pháp phục hồi chức năng, trong đó liệu pháp liên quan đến tâm lý giáo dục tại các trung tâm chuyên biệt là một trong những liệu pháp can thiệp đem lại hiệu quả cho trẻ nhiều nhất.
Hà Phúc - TT Sông Phố.