TỰ KỶ CÓ BỊ LÂY KHÔNG?

Hỗ trợ trực tuyến
TỰ KỶ CÓ BỊ LÂY KHÔNG?

    Tự kỷ có bị lây không?

     

    Rất nhiều người đặc biệt trong số đó có cả ba mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ hiểu chưa đúng về tự kỷ và tin vào những điều mê tín hay đặt ra quy định cho con của mình. Bài viết này chia sẻ để chúng ta trả lời “Tự kỷ có bị lây” như nhiều người vẫn nghĩ không?

     

    Tự kỷ không lây

    Tự kỷ không lây – Đây là khẳng định từ các chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ và can thiệp trẻ tự kỷ.

    Có rất nhiều cha mẹ tìm đến nhờ sự hỗ trợ của các trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ, khi trao đổi với các chuyên viên can thiệp có một tâm lý e ngại chung là sợ con mình bị lây tự kỷ từ trẻ khác,  khiến cho con của mình ngày càng nặng hơn. Tuy nhiên, điều mà chúng ta lo lắng đó là vô ích bởi tự kỷ không lây, vì một điều rất đơn giản “Tự kỷ không phải là bệnh” càng không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây lan từ người này sang người khác được, tự kỷ là một rối loạn phát triển.

    Rối loạn phổ tự kỷ, hay còn gọi là tự kỷ, tự tỏa, tự  bế là một rối loạn phát triển được công nhận vào năm 1943, trong một bài báo với nhan đề  (Autism Disturbance of Effective Contract)  hội chứng này được mô tả một cách rõ ràng và khoa học bởi bác sỹ tâm thần người Áo là Leo Kanner. Mô tả của ông như sau: Trẻ tự kỷ thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác; Cách chọn lựa các thói quen hàng ngày rất giống nhau về tính tỉ mỉ và tính kỳ dị; không có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ thể hiện sự bất thường rõ rệt.

    Năm 1944, một bác sĩ  Nhi khoa người Áo tên là Hans Asperger đã mô tả một dạng tự kỷ nhẹ hơn Kanner mô tả rất nhiều. Sau này, người ta lấy tên ông đặt cho rối loạn này gọi là hội chứng Asperger.

    Trong những thập niên nửa cuối của thế kỷ 20, nhiều cuộc tranh cãi đã diễn ra xung quanh việc định nghĩa tự kỷ, thuật ngữ “rối loạn phổ tự kỷ” (Autism Spectrum Disorders) xuất hiện với phạm vi mô tả rộng hơn bao trùm cả thuật ngữ rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt là tự kỷ) là tên gọi dùng cho một nhóm các rối loạn phát triển ảnh hưởng tới não bộ, bao gồm một nhóm các hội chứng: Rối loạn tự kỷ (Autism Disorder), rối loạn Rett (Rett’s Disorder), rối loạn Asperger’s Disorder), rối loạn tan rã trẻ em (childhood disintegrative Disorder), rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu khác.  

    Trong suốt quá trình phát hiện và nghiên cứu tự kỷ, các nhà khoa học đã đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán được khái quát đầy đủ trong hai bảng phân loại bệnh quốc tế là DSM IV và ICD 10. Đây là hai bảng phân loại bệnh tật có uy tín nhất vào thời điểm hiện nay trên thế giới. Theo hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ, trong cuốn Sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần lần thứ 4 (DSM IV, 2000) đã đưa ra định nghĩa về rối loạn phổ tự kỷ là rối loạn phát triển lan tỏa, xuất hiện sớm ở trẻ thơ biểu hiện suy giảm nổi bật, kéo dài trong 3 lĩnh vực, mối tương tác xã hội, sự lệch lạc trong giao tiếp, và những hành vi, hứng thú theo một mô hình hạn chế hoặc rập khuôn.

    Theo chuyên trang tự kỷ của liên hiệp quốc  (2008), “Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển tồn tại suốt cuộc đời, thường xuất hiện trong 3 năm đầu đời . Tự kỷ là do rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ . Tự kỷ có thể xảy ra ở bất cứ cá nhân nào không phân biệt  giới tính, chủng tộc hoặc điều kiện kinh tế xã hội. Đặc điểm của tự kỷ là những khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ và có hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại”.

    Lựa chọn môi trường giáo dục và chương trình phù hợp với con

    Khi biết con mình bị “rối loạn phổ tự kỷ”, ai cũng sốc đến mức không tin làm sao lại là con mình, thậm chí có người nghi ngờ hoặc kiểm tra hết lần này đến lần khác, đi nhiều nơi xem kết quả có thay đổi không? Trong nước rồi ra nước ngoài. Có những trường hợp ba mẹ là nhà thơ, nhà kinh doanh tài giỏi, nhà văn, họa sĩ, hay người nổi tiếng, người có địa vị cũng không loại trừ được. Vậy thì điều ba mẹ cần làm ngay sau đó là tìm cho con một ngôi trường đón nhận con vì con có “rối loạn tự kỷ”. Trong suốt quá trình làm việc tại trung tâm chuyên biệt của mình tôi ấn tượng nhất là phụ huynh có con rối loạn tự kỷ đã chia sẻ cùng các chuyên viên can thiệp rằng “trước khi lựa chọn trung tâm mà con đã can thiệp 5 năm này, đã đưa con đi từ Bắc vào Nam với các kiểu gọi là chữa bệnh tự kỷ khác nhau, châm cứu, bấm huyệt, uống  thuốc bổ não... nghe ai chỉ ở đâu có ông thầy nào chữa khỏi tự kỷ là mang con đi” vị phụ huynh vừa khóc vừa nói “thậm chí bây giờ nhìn lại trong khoảng thời gian từ khi phát hiện con đến khi cho con ổn định can thiệp thì con như là chuột bạch thử nghiệm tất cả các cách mà phụ huynh mong một ngày con sẽ khỏi bệnh như kiểu “có bệnh thì vái tứ phương” và thấy hối tiếc về khoảng thời gian trước đây không can thiệp sớm cho con,  nhưng  thực tế quá trình can thiệp của con cùng với những tiến bộ hằng ngày qua 5 năm mới giúp vị phụ huynh này khẳng định chỉ có can thiệp tâm lý - giáo dục”

    Rất nhiều phụ huynh trong quá trình tìm con đường chữa trị cho con đều mang tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”. Tuy vậy, con đường đồng hành cùng con tự kỷ là một cuộc chiến dài nhiều thử thách,  đòi hỏi sự kiên trì, đúng phương pháp, nhưng không cha mẹ nào cũng hiểu về tự kỷ. Chính vì thế, phụ hynh cần lựa chọn cho con một môi trường giáo dục uy tín, không đưa con đến để học thử trong thời gian 1 tháng, hai tháng xem có tiến bộ như cha mẹ mong muốn không?  Hãy kiên trì với một môi trường mà phụ huynh đã tìm hiểu kĩ trước đó để không mất thời gian can thiệp của con.

     

    Hãy tìm một môi trường giáo dục uy tín phù hợp với điều kiện sống của gia đình mình, trao đổi kỹ với nhà chuyên môn về chương trình can thiệp của con, đánh giá mức độ phát triển của con, cùng thống nhất một chương trình phù hợp với con, cùng phối hợp với các chuyên viên tham gia can thiệp cho con, lựa chọn phương pháp phù hợp với con, hãy cho con tham gia can thiệp càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó hãy trở thành “chuyên gia” của con bằng cách tự trau dồi kiến thức và kĩ năng. Bởi vì, ba mẹ là người hiểu con của mình hơn cả chuyên viên, yêu thương con của chúng ta hơn cả chuyên viên, có một câu nói rằng “Nhà trị liệu là chuyên gia trị liệu, nhưng phụ huynh mới chính là chuyên gia của con cái họ”. Vì thế, phụ huynh cùng đồng hành với các chuyên viên trong quá trình can thiệp cùng con là rất quan trọng và cần thiết. Để làm được điều này phụ huynh không chỉ có tình yêu thương vô bờ bến với con mà còn phải có những hiểu biết về kiến thức và kĩ năng, không bị “tiền mất tật mang”. Bởi vì chỉ có một số phương pháp như ABA, PECS, TEACCH, FLOOR TIME  ... đã được chứng minh có hiệu quả trong việc can thiệp trẻ tự kỷ, nhưng mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng nên phụ huynh cần phải  hiểu biết, mới sử dụng các phương pháp có hiệu quả nhất.

     

    Bắt chước hành vi

    Để tồn tại và phát triển, cá nhân cần có khả năng thích ứng với sự thay dổi của môi trường sống. Muốn vậy, cá nhân đó phải chuyển hóa được những kinh nghiệm xã hội thành kinh nghiệm của riêng mình tức là phải học, cơ bản việc học của con người diễn ra theo 3 cơ chế tập nhiễm, bắt chước, nhận thức .

    Đã là con người ai cũng phải từ nhỏ đến trưởng thành, lúc nào con người cũng có xu hướng bắt chước, cơ chế bắt chước là tiền đề đảm bảo cho cá thể tiếp thu kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống, ở trẻ nhỏ cơ chế học của trẻ là tập nhiễm, bắt chước, mô phỏng, đây là bước sơ đẳng, cơ bản nhất để trẻ lĩnh hội kinh nghiệm cuộc sống, nhưng ở tuổi mầm non (từ 2 đến 6 tuổi) điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Bởi khi ấy, trẻ thường phản ánh lại hành vi của mình từ những gì chúng quan sát được từ người xung quanh, nhất là những người gần gũi, tin cậy như ba mẹ, bạn cùng trang lứa. Hơn nữa, lúc này trẻ chưa ý thức được hậu quả của hành vi. Vì vậy,ba mẹ những người gần gũi nhất với trẻ hãy là những tấm gương tốt để trẻ noi theo.

     

    Bắt chước là một kỹ năng rất tích cực của trẻ tự kỷ

    Đối với trẻ tự kỷ việc tập nhiễm bắt chước không còn là cơ chế mà đó là một kĩ năng trẻ cần học để phát triển bởi khó khăn lớn của trẻ tự kỷ về tương tác, giáo tiếp, và hành vi  đây lại là các yếu tố, là môi trường, là con đường chủ yếu để lĩnh hội và phát triển.

    Ở trẻ nhỏ phát triển bình thường, trong quá trình hoạt động và giao tiếp với người khác trẻ bắt chước làm bác sĩ, làm ba, làm mẹ, làm thầy giáo, cô giáo, làm ca sĩ...những người mà trẻ yêu thích và muốn được giống như họ. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển các kỹ năng khác. Tuy vậy, đối với trẻ tự kỷ, khó khăn trong mối tương tác xã hội, không tham gia các trò chơi bình thường của tuổi trẻ thơ, sự bắt chước khó khăn, thiếu các kỹ thuật chơi thông thường nhất là chơi tưởng tưởng. Chính vì vậy, ở trẻ tự kỷ bắt chước những hành vi ở trẻ khác kể cả hành vi kỳ dị là một dấu hiệu rất quan trọng và tích cực chứng tỏ rằng trẻ có khẳ năng để học.

    Có một vị phụ huynh sau khi có trong tay chương trình học của con với nội dung “bắt chước những hoạt động vận động thô vỗ tay, đập tay lên bàn, bước đều” liền cười và nói dễ quá tôi vẫn thấy con tôi làm rồi không cần học, chuyên viên can thiệp đã giải thích để vị phụ huynh hiểu rằng những điều họ vẫn thấy con làm là theo bản năng không phải là kĩ năng ví dụ đi, chạy... nhưng bây giờ phụ huynh thử đi và nói với con hãy đi như mẹ, chạy như mẹ, bước như mẹ... con có làm được không? vị phụ huynh ngẫm nghĩ một lúc nhưng vẫn nói với chuyên viên sẽ thực hiện trong thời gian một buổi tổi để thử. Tuy vậy, ngày sau đến lại trao đổi với chuyện viên con tôi chưa biết bắt chước để thực hiện kể cả những việc mà tôi thường ngày thấy bé vẫn làm đi, đứng, nhảy, ngồi...

    Từ câu chuyện của vị phụ huynh để thấy rằng đối với trẻ tự kỷ bắt chước cũng là một kỹ năng cần phải học và khi trẻ biết bắt chước những trẻ khác thì trẻ đã có một kĩ năng tiền đề cơ bản rất tích cực để có thể học những kĩ năng  giao tiếp, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ ... khi thấy trẻ bắt chước hành vi từ trẻ khác kể cả những hành vi kỳ dị như vỗ tay liên tục, xòe tay ra trước mặt nếu hành vi đó không gây tổn thương cho trẻ và người khác, phụ huynh không nên quá lo lắng sợ hãi hãy bình tĩnh nhận ra rằng con có dấu hiệu tích cực để học các hành vi khác, các kĩ năng khác thông qua cơ chế bắt chước. Vì vậy, phụ huynh hãy bắt đầu rèn luyện uốn nắn con bằng những hành vi tích cực, làm mẫu những bước đơn giản nhất, lặp lại hằng ngày, thường xuyên để trẻ học theo.

     

    NGUYỄN MINH TRÂM - TRƯỞNG BỘ PHẬN ĐÁNH GIÁ

    Đối tác của SPAP
    Đang online: 2 | Tổng truy cập: 74501