ĐIỀU CON MUỐN NÓI...!

Hỗ trợ trực tuyến
ĐIỀU CON MUỐN NÓI...!

    Hãy giúp con, giúp con để con có thể bày tỏ con muốn gì, con thích được ăn kem, con thích được sờ vào tóc mẹ, con thích có người ôm con vào mỗi sáng thức dậy, con muốn ba chú ý đến con hơn..., con ghét phải nghe tiếng mưa rơi, con ghét đi thang máy, con không thích ăn cơm... nhưng đừng bắt ép con phải nói ra những điều đó bởi vì đó thật sự là khó khăn với con, và điều con muốn nhất là “cha mẹ ơi! con muốn được giao tiếp,  xin hãy dạy con cách giao tiếp”.

    Điều con muốn...

         Con một đứa trẻ có rối loạn phát triển, điều đó thể hiện rõ qua rất nhiều khó khăn của con, con khó để tương tác với mọi người, con khó để có thể giao tiếp với bạn, con rất khó khăn để thay đổi một lời nói, một hành động...con hiểu rằng cha mẹ nào cũng muốn con sử dụng lời nói để bày tỏ và trao đổi tư tưởng, cha mẹ nào cũng ước ao con của mình có tài ăn nói để thành công trong cuộc sống. Nhưng con không chọn cho mình cuộc sống có rối loạn phát triển nên hãy giúp con, giúp con để con có thể bày tỏ con muốn gì, con thích được ăn kem, con thích được sờ vào tóc mẹ, con thích có người ôm con vào mỗi sáng thức dậy, con muốn ba chú ý đến con hơn..., con ghét phải nghe tiếng mưa rơi, con ghét đi thang máy, con không thích ăn cơm...nhưng đừng bắt ép con phải nói ra những điều đó bởi vì đó thật sự là khó khăn với con, và điều con muốn nhất là “cha mẹ ơi! con muốn được giao tiếp, xin hãy dạy con cách giao tiếp”.

     

    TRUNG TÂM TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG SÔNG PHỐ

    (Hình minh họa - Nguồn internet).

     

    Thật khó để nói cho cha mẹ biết con cần gì khi con không biết dùng từ ngữ để diễn đạt đúng cảm giác của mình. Con đang cảm thấy đói bụng, con đang bực bội, con đang sợ hãi hay bối rối nhưng ngay lúc này bản thân con không thể diễn đạt những từ ngữ đó. Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, những dấu hiệu con muốn thu mình, lo âu, tránh né, hay những dấu hiệu khác để biết rằng con đang gặp khó khăn để diễn đạt.

    Tuy vậy, cha mẹ cũng có thể bắt gặp điều trái ngược với việc con không nói,  đó là con có thể nói năng như một vị giáo sư, hay một diễn viên điện ảnh nhỏ tuổi, nói huyên thuyên cả đọan lời thoại hoàn toàn vượt quá độ tuổi của mình. Đó là những lời thoại mà con nhớ được từ xung quanh được bù đắp, điều chỉnh những thiếu hụt về ngôn ngữ của mình vì con biết rằng mọi người mong đợi con trả lời họ khi nói chuyện với con. Những lời này có thể trong sách, tivi, hay lời người khác. Đó là “ nhại lời”. Nhưng con không sử dụng đúng ngữ cảnh của cuộc đối thoại, hay từ ngữ con đang dùng, khi hỏi con có muốn ăn cơm không? thay vì con sẽ trả lời con muốn ăn thì con lại đáp “hãy nói theo cách của bạn” hoặc “con có muốn ăn cơm không?”.., bởi vì con chỉ biết khi ai đó nói chuyện với mình thì mình cũng nói lại ít ra là câu nói lặp lại giống như câu trả lời.

     

    Hãy dùng hình ảnh để giao tiếp với con

       

        Con biết rằng nhiều cha mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ mong muốn con “nói” và tìm cách “dạy nói”, nhưng chúng ta đều biết lời nói là một trong những phương tiện để con người giao tiếp, cũng rất đúng khi nói là một phương tiện tốt nhất, phổ biến nhất được nhiều người sử dụng nhất và cũng mang lại hiệu quả giao tiếp cao nhất. Nhưng bởi vì trẻ rối loạn phổ tự kỷ rất khó khăn trong diễn đạt, trẻ có thể chưa sử dụng lời nói nhưng mà trẻ vẫn có thể giao tiếp được nếu chúng ta dạy cho trẻ cách giao tiếp, bởi vì giao tiếp là một quá trình trong đó con người trao đổi với nhau  các ý tưởng, cảm xúc, và thông tin nhằm xác lập và vận hành các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội vì những mục đích khác nhau.

     

    Quá trình trao đổi thông tin của con qua nhiều phương tiện, cách thức như nghe, nhìn, đọc, nói, viết, cử chỉ, điệu bộ, hình ảnh thế nhưng vốn dĩ con rất hạn chế về từ nên con khó để diễn đạt cho người khác biết con cần gì, con cũng khó khăn để hiểu những lời nói bóng, gió nên con lại rất nhạy bén về hình ảnh. Hãy chỉ cho con thấy cách làm việc gì đó hơn là nói với con cách thực hiện như thế nào. Và xin hãy chỉ cho con thật nhiều lần, lặp lại thường xuyên. Khi làm cho con thấy nhiều lần, con càng dễ học. Nếu một yêu cầu, một lời nói đi kèm một hình ảnh minh họa thì con sẽ dễ tiếp nhận và con cũng dùng chính hình ảnh đó để diễn đạt yêu cầu của con thì thật tuyệt vời phải không ạ?

     

    Một thời khóa biểu có dán hình ảnh minh họa rõ ràng thì thật sự hữu ích với con, vì nó giúp con nhớ con phải làm gì mỗi ngày. Thời khóa biểu bằng hình ảnh nó giúp con không bị căng thẳng khi phải nhớ cần làm chuyện gì kế tiếp, việc gì con đã hoàn thành. Nó tạo ra sự chuyển đổi nhịp nhàng giữa các họat động và giúp con sắp xếp thời gian của bản thân và đáp ứng sự mong đợi của mọi người. Khi con lớn, con cũng vẫn cần thời khóa biểu có hình mình họa, nhưng cách minh họa có thể khác. Trước khi biết đọc con cần có thời khóa biểu có hình mình họa hay hình vẽ đơn giản. nhưng khi đã lớn, thời khóa biểu có hình ảnh và từ ngữ thì tốt hơn. Và sau đó, con chỉ cần thời khóa biểu ghi chữ viết.

     

    TRUNG TÂM TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG SÔNG PHỐ

     (Hình minh họa - Nguồn internet).

     

    Hãy lựa chọn phương pháp giao tiếp phù hợp để con của bạn được giao tiếp

       

        Rất nhiều cha mẹ loay hoay trong việc tìm kiếm cho con một phương pháp phù hợp để giúp con phát triển, nhưng chúng ta đều biết rằng có bao nhiêu con đường giao tiếp thì cũng có bấy nhiêu phương pháp giao tiếp điều quan trọng là con của bạn cần đến phương pháp nào để bản thân trẻ có thể giao tiếp được, bởi vì khiếm khuyết lớn nhất của trẻ tự kỷ là khiếm khuyết về giao tiếp. Trong khi một số trẻ tự kỷ sẽ phát triển lời nói thì một số trẻ khác có thể sẽ không sử dụng ngôn ngữ nói. Vì vậy chúng ta cần cung cấp một phương thức giao tiếp thay thế khác là rất cần thiết. Đó được gọi là Hệ thống giao tiếp bằng hình ảnh (Picture Exchange Communication System – PECS). Phương pháp PECS này được nhà tâm lý Andrew Bondy và nhà âm ngữ trị liệu- Lori Frost đề ra trong chương trình tự kỷ Delaware. Phương pháp này dựa trên biện pháp ABA để đổi hình ảnh theo những gì mà trẻ muốn. Khoảng 50% trẻ tự kỷ không nói nhưng bạn vẫn dạy quy tắc là con phải tỏ ý cho trẻ không biết nói, đó là cấu hình theo phương pháp PECS. 

    Phương pháp PECS là từ những hình riêng lẻ trẻ sẽ xếp đặt thành câu nhiều chữ, đầu tiên trẻ phải đưa bình nước cho cha mẹ để được uống nước, hay chỉ vào ly nước dán trên cửa tủ lạnh, từ đó mở rộng dần những ý khác. PECS có 6 giai đoạn:

     

    Giai đoạn 1: Cách giao tiếp

     

    Giai đoạn này cần có hai người, một người hỗ trợ thể chất và một người giao tiếp, cần liệt kê những món đồ yêu thích của trẻ thường bắt đầu bằng các đồ ăn thức uống hàng ngày. Sử dụng các bức tranh, ảnh miêu tả các đồ vật đó đặt trước mặt trẻ, thu hút sự chú ý của trẻ, hãy chờ đợi trẻ khởi xướng. Hãy bắt đầu việc “giao tiếp” bằng cách hỗ trợ trẻ lấy bức tranh, ảnh miêu tả đồ vật đó đặt vào tay người giao tiếp. Khi trẻ đã đưa hình ảnh bây giờ hãy gọi tên hình ảnh và đưa cho trẻ đồ vật tương ứng với hình ảnh. Phần thưởng cho trẻ trong trường hợp này sẽ là chính món đồ mà trẻ yêu thích .

     

    Giai đoạn 2: Khoảng cách và kiên trì

     

     

    Giai đoạn 2 vẫn có hai người, giúp trẻ kiên trì vượt các chướng ngại vật di chuyển theo nhiều khoảng cách, nhiều ví trí khác nhau, người giao tiếp sẽ dần dần tạo khoảng cách với trẻ bằng việc dịch chuyển vị trí ra xa khỏi vị trí của trẻ sao cho trẻ phải di chuyển về phía người giao tiếp khi muốn đưa cho người đó tấm tranh/ ảnh thẻ mà trẻ muốn đưa.

     

    Giai đoạn 3: Phân biệt tranh

     

    Trong giai đoạn này chỉ cần một người giao tiếp với trẻ, giúp trẻ chọn một tranh từ các tranh khác nhau, bắt đầu bằng việc sử dụng vật trẻ thích nhất với một vật trẻ ghét hoặc trung tính thay vì chỉ đưa một tranh/ ảnh nhất định như giai đoạn 1 và giai đoạn 2 . Giờ đây trẻ sẽ phải lựa chọn một trong số đó để tìm ra thẻ tranh phù hợp diễn đạt đồ vật mà trẻ mong muốn và đưa cho người giao tiếp.

     

    Giai đoạn 4: Cấu trúc câu

     

    Đến giai đoạn  này là những tấm thẻ có chữ “ Tôi muốn…” ở trên. Dùng thẻ này để ghép với những bức tranh/ ảnh mô tả những đồ vật mà bé muốn có. Mục đích của hành động này là để trẻ học cách đặt câu và trao đổi một thẻ câu để yêu cầu điều trẻ muốn. Cho dù trẻ không biết mặt chữ/ không đọc được thì việc học như thế này cũng giúp trẻ có thể nhận dạng được mặt chữ như nhận dạng mặt chữ như một dạng ký tự ở trên thẻ bìa.

     

    Giai đoạn 5Yêu cầu trả lời

     

    Khác hẳn với các giai đoạn trước của quá trình học với sự hỗ trợ của PECS, trong giai đoạn này người giao tiếp sẽ đặt câu hỏi : “ Con muốn gì?’. Và để trả lời, trẻ sẽ phải lựa chọn để đưa ra các bức tranh để được món đồ mà trẻ muốn có. Điều này sẽ xây dựng nền tẳng cho việc giao tiếp hai chiều trong tương lai khi bé tham gia vào các cuộc hội thoại/ giao tiếp qua lại, hỏi đáp

     

    Giai đoạn 6: Mở rộng câu

     

    Khi đạt tới giai đoạn này, bản thân trẻ thường đã có thể sử dụng PECS một cách khá nhuần nhuyễn để biểu đạt mình mong muốn cũng như đã có thểtham gia trò chơi với PECS với hơn một người giao tiếp. Khi đó, trẻ sẽ được học cách để không phải chỉ đưa ra các sự vật hiện tượng mà mình muốn mà còn học để diễn đạt sự nhận xét, ý kiến chủ quan của mình về các sự vật hiện tượng đó.

    Rối loạn phổ tự kỉ là một nét trong tổng thể các tính cách của con. Nó không quyết định con là người như thế nào, cho dù con là ai thì con vẫn cần giao tiếp, không một phương pháp nào hoàn hảo cho mọi trường hợp của con nhưng điều con mong muốn nhất là hãy kiên nhẫn với con để con được giao tiếp.

     

    NGUYỄN THỊ MINH TRÂM - TT TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG SÔNG PHỐ.

    Đối tác của SPAP
    Đang online: 2 | Tổng truy cập: 35358