YẾU TỐ GIA ĐÌNH ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐỨA TRẺ CÓ RLPT?

Hỗ trợ trực tuyến
YẾU TỐ GIA ĐÌNH ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐỨA TRẺ CÓ RLPT?

    Gia đình là hạt nhân của xã hội, mỗi con người ai cũng có một nơi thuộc về mình mà ở đó chúng ta được sinh ra, được chăm sóc, được giáo dục, được che chở và yêu thương đó là gia đình. Mỗi gia đình sẽ có một cách giáo dục khác nhau và từ đó khi đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình nào sẽ mang một nét tính cách đặc trưng của gia đình đó. Với trẻ rối loạn phát triển, gia đình lại là một nơi có vai trò hết sức to lớn trong quá trình phát triển, và định hình tính cách cho đứa trẻ. Trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi cách mà các thành viên đối xử với nhau, và đối xử với chúng. Ngoài ra tính cách và sự phát triển của trẻ cũng bị ảnh hưởng từ cách giáo dục và yêu thương của gia đình.

     

    Trẻ rối loạn phát triển ở đây tôi muốn nhắc đến là các trẻ có rối loạn tự kỷ, phổ tự kỷ, hội chứng down, chậm phát triển trí tuệ. Và đây là những đứa trẻ không phải bệnh lý và không có thuốc chữa đặc trị, mà là hội chứng rối loạn phát triển bẩm sinh, chỉ có thể dùng giáo dục, và tâm lý để giúp trẻ có những kỹ năng hòa nhập xã hội và cải thiện nhận thức về thế giới xung quanh, tùy theo mức độ của hội chứng mà quyết định được mức khả năng trẻ có thể hòa nhập.

    TRUNG TÂM TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG SÔNG PHỐ

    Hình chỉ ảnh mang tính chất minh họa. (Nguồn : internet).

     

    Cái mà tôi nhấn mạnh ở bài viết này là mức độ nhận thức của phụ huynh về chứng rối loạn phát triển ở trẻ, và cách thức giáo dục cũng như chăm sóc của gia đình đối với những trẻ này. Nhiều người biết trẻ rối loạn phát triển sẽ suy giảm trên nhiều lĩnh vục như : giao tiếp (cả giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ), nhận thức, và có những hành vi mang tính “lệch chuẩn”, rối loạn về các giác quan… nhưng ít phụ huynh nào đi sâu để tìm hiểu nguyên nhân của các hành vi hay tâm lý của đứa trẻ khi thể hiện ra hành vi đó ( mong muốn và nhu cầu của con em mình khi dùng hành vi để thể hiện).

     

    Nhiều phụ huynh cho rằng đứa trẻ có rối loạn phát triển chỉ cần can thiệp bán trú hoặc theo giờ ở các trung tâm, hoặc môi trường can thiệp chuyên biệt là đủ, mà lơ là việc hỗ trợ cho trẻ ở nhà. Cũng có thể có một số phụ huynh quá bận rộn với công việc và cuộc sống mà chưa thu xếp được thời gian chơi với con mình, một vài trường hợp cá biệt là phụ huynh có tâm trạng chán nản khi con mình mãi không thể hoà nhập được.  Điều đó dẫn đến việc trì trệ tiếp thu các kiến thức mà trẻ đã được hỗ trợ trước đó ở môi trường chuyên biệt, và mất đi cơ hội ứng dụng kiến thức đã được hỗ trợ vào cuộc sống hằng ngày.

     

    Ví dụ: Một đứa trẻ tự kỷ mức độ nặng chưa biết tự phục vụ, chưa có kỹ năng về mặc quần áo. Trên môi trường chuyên biệt các chuyên viên can thiệp đã dạy con cách mặc quần áo cho con, và trẻ đã có thể mặc được mặc dù còn một vài lỗi nhỏ và nếu kiên nhẫn trẻ sẽ làm thành thục. Trong khi đó về nhà phụ huynh có thể vì bận rộn nên khi tắm cho con xong phụ huynh tự mặc quần áo cho con mà không để con tự làm. Điều đó dẫn đến việc trẻ học các kỹ năng không được ứng dụng, và đối với đứa trẻ những kỹ năng đó trở nên không cần thiết vì đã có cha mẹ làm các bước đó rồi.

     

     Phụ huynh phải là người tích cực và chủ động trong việc can thiệp hỗ trợ cho trẻ ở nhà, và có thể phối hợp với nhà chuyên môn để có một chương trình hỗ trợ tốt nhất cho trẻ. Phụ huynh có quyền được tiếp cận các kiến thức và góp ý với nhà chuyên môn để hỗ trợ con mình tốt nhất. Vì hơn ai hết phụ huynh là người chăm sóc, yêu thương và hiểu con mình nhất.

     

    Hiên tại, có một thực trạng đáng buồn hiện nay cần có sự quan tâm và hợp tác của cả gia đình, và cả cộng đồng, đó là sự lệ thuộc vào công nghệ thông tin, các thiết bị điện tử. Không những đứa trẻ bị lệ thuộc vào đó mà cả các bậc phụ huynh cũng bị lệ thuộc vào các mạng xã hội, ứng dụng cộng đồng và dành nhiều thời gian cho facebook, zalo,… chiếm dụng thời gian tương tác với con cái, đặc biệt các cha mẹ trẻ.

     

    TRUNG TÂM TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG SÔNG PHỐ

    Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa ( Nguồn : internet)

     

       Chưa có bất kì nghiên cứu nào chứng minh cụ thể rằng cho trẻ chơi các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính bảng nhiều sẽ đẫn đến trẻ bị tự kỷ, rối loạn phát triển. Nhưng có một sự thật hiển nhiên rằng thời gian xem tivi, máy tính bảng, điện thoại nhiều sẽ tước đi thời gian và cơ hội để tương tác với cha mẹ, mọi người xung quanh và khám phá thế giới xung quanh trẻ. Trẻ chỉ được tiếp xúc với các hiệu ứng từ màn hình led mà bỏ qua những cảm nhận từ môi trường, lâu dần các giác quan không được phát triển đồng đều đặc biệt là xúc giác, điều đó có thể sẽ dẫn đến những hành vi tự cân bằng bằng hành vi “lệch chuẩn”, chưa kể đến việc tiếp xúc với màn hình lâu sẽ dẫn đến các bệnh lý khúc xạ về mắt. Nếu gia đình cho đứa trẻ ra ngoài chơi đùa, khám phá các vật liệu thiên nhiên, để các cơ quan phát triển đồng đều và tích lũy kinh nghiệm thì đứa trẻ sẽ phát triển tốt hơn.

       

    Nhiều phụ huynh dỗ con ăn bằng cách cho con xem tivi, điện thoại, máy tính bảng, trẻ chỉ việc ngồi nhìn chăm chú vào màn hình, và há miệng nuốt thức ăn điều này vô hình chung phụ huynh đang tước đoạt đi khả năng nhai và cảm nhận thức ăn của cơ quan vị giác. Có một số trường hợp cha mẹ quá bận rộn với cuộc sống, nên cho con xem các thiết bị điện tử để còn có thời gian làm việc khác, điều đó làm suy giảm tương tác của đứa trẻ với môi trường xung quanh, và gia tăng tỷ lệ nghiện internet và thiết bị điện tử của trẻ, tạo sự lệ thuộc vào thiết bị điện tử, mất hứng thú với các tương tác thật ngoài môi trường sống.

     

    Các chuyên gia về trẻ rối loạn phát triển luôn khuyên phụ huynh hãy dành ít nhất 1 giờ trong ngày để ngồi chơi dưới sàn với trẻ,  những trò chơi để kích thích khả năng tư duy và tìm tòi của trẻ, tạo được sự tương tác qua lại với trẻ, hoặc tốt hơn nữa là khởi xướng những kiểu tương tác mẫu để trẻ quan sát và học hỏi.

     

    Nói thì dễ và tưởng chừng như chuyện ai cũng biết, ai cũng nói, nghe hoài thấy nhàm chán nhưng mấy ai đủ bản lĩnh, đủ kiên nhẫn để sắp xếp công việc, vứt bỏ bớt sở thích , hạn chế dùng thiết bị điện tử để dành thời gian cho con, chơi với con, dạy con những điều nhỏ nhặt nhất cùng khóc cùng cười trong chặn đường phát triển của con.

     

    Trong hơn 5 năm theo nghề can thiệp trẻ rối loạn phát triển và tiếp xúc với gần 100 lượt trẻ đến can thiệp, rồi ra hòa nhập, hoặc có một số trẻ bỏ cuộc giữa chừng, hoặc có những trẻ đã can thiệp chừng ấy năm bản thân tôi mới thấy được 5 trường hợp phụ huynh có con tự kỷ cùng đi học với con, cùng can thiệp, cùng khóc, cùng cười với con sẵn sàng từ bỏ những điều tốt đẹp trong công việc, danh vọng để đi cùng con và những đứa trẻ  ấy đã đủ điều kiện để được ra hòa nhập với môi trường bình thường sau 1 dến 3 năm can thiệp. Còn những người còn lại thì sao? Có những trẻ dừng can thiệp vì phụ huynh nhà xa, không ai đưa đón, có phụ huynh thì không đủ điều kiện kinh tế đưa con đi học, có phụ huynh thì chương trình học của con đã được chuyên viên gởi về vẫn không đọc, sổ liên lạc không xem, họp phụ huynh định kì để trao đổi về tình hình phát triển của trẻ cũng không đi, các lớp tập huấn đào tạo có phí lẫn miễn phí cũng không tham gia…..

     

    Mỗi một chặng đường phát triển của trẻ có rối loạn phát triển cần lắm sự tương tác của các chuyên viên – trẻ- gia đình. Cần sự bắt tay, hỗ trợ và can thiệp để đứa trẻ phát huy hết tiềm năng và sớm hà nhập vào môi trường sống tốt nhất.

     

       ĐẶNG THỊ DIỄM HƯỜNG - CHUYÊN VIÊN CAN THIỆP .

    Đối tác của SPAP
    Đang online: 4 | Tổng truy cập: 35305